Trước khi các đồ chơi và thiết bị điện tử ra đời ồ ạt như ngày nay, trẻ em ngày xưa thường chơi đùa với thiên nhiên hoặc các vật liệu gần gũi xung quanh, như cát, đất sét… Thử vui chơi cùng bé với các trò chơi với cát có thể khiến các cô cậu nhà mình phấn khích cực độ đấy mẹ ạ.
Dù ở bất kì độ tuổi nào trong những năm đầu đời, trẻ con luôn tìm ra được các cách chơi đầy sáng tạo với cát. Những thiên thần nhỏ luôn vui thích với cát mịn thông qua việc đào hố, xây dựng hay ném đổ. Giống như chơi với nước, chơi trong cát là nhẹ nhàng và giải trí cho trẻ em.
Hiện tại, dù đã có nhiều sản phẩm đồ chơi kích thích trí thông minh sớm ở trẻ, chơi với cát vẫn được đánh giá là cách thức giải trí nhẹ nhàng và là phương pháp nuôi dạy con ngoan cũng như học tập tuyệt vời để phát huy trí tưởng tượng vốn có ở trẻ nhỏ.
Thời lượng chơi: 10 – 20 phút mỗi ngày (tùy theo mức độ hứng thú của trẻ).
Độ tuổi phù hợp: 6 tháng tuổi trở lên.
Mục đích chơi
- Kích thích thị giác, thính giác và xúc giác.
- Kích thích trí não và hệ thần kinh vận động
- Tăng cường khả năng tư duy hình ảnh của não phải
- Rèn luyện kĩ năng phân tích và đánh giá sự vật ở trẻ
- Phát triển cơ bắp toàn thân của bé
- Khơi gợi trí tò mò của trẻ
- Giúp trẻ sáng tạo và năng động hơn
Dụng cụ cần chuẩn bị trước khi chơi
- Cát (có thể cho trẻ chơi trong hố cát nhân tạo hoặc trên bãi biển)
- Đồ chơi (xô đựng, cây xúc, chai lọ, hộp kho báu, búp bê, hộp nhạc,…)
Lưu ý
- Không để bé chơi một mình
- Cát để chơi phải sạch
- Đồ chơi không có vật sắc nhọn
Hướng dẫn cách chơi:
Trò chơi thứ nhất – Cát và vòi nước
Bạn dùng vòi nước nhỏ và chỉnh áp lực nước yếu, cầm xịt vòng quanh người bé hoặc cho trẻ tự cầm tự chơi đùa.
Ngoài việc vui đùa sảng khoái với nước và cát, trẻ còn từ từ nhận ra sự khác nhau giữa cát khô và cát ướt. Từ đó, trẻ sẽ dần dần phát huy được sự sáng tạo của bản thân trong việc tự nghĩ ra trò chơi cho mình.
Đồng thời, khi cát ướt, trẻ sẽ phải dùng nhiều sức hơn để chơi vốc cát và nhờ đó phát triển cơ bắp cũng như hệ thần kinh vận động.
Trò chơi thứ hai – Tìm kiếm kho báu bị chôn giấu
Bạn chôn một vật dụng kim loại dạng to vào cát và cung cấp nam châm cho trẻ.
Bạn dùng biểu cảm gương mặt hoặc các động tác để gợi ý nhằm giúp trẻ em hiểu được cách sử dụng nam châm và biết cảm nhận từ trường trên hành trình săn tìm “kho báu”.
Trò chơi thứ ba – xây lâu đài cát
Bạn có thể khuyến khích trẻ em vẽ hình trên cát và xây dựng lâu đài cát bằng cách tạo ra một khuôn mẫu để trẻ bắt chước.
Bạn hãy giúp trẻ tìm thêm những vật trang trí cho tòa nhà của bé như đá, lá hay hoa ở khu vực gần đó.
Bạn nhớ bật nhạc trong lúc trẻ đang chơi và khuyến khích trẻ hát theo để khiến không gian chơi trở nên sôi động hơn.