Đu đủ là một loại trái cây nhiệt đới vô cùng bổ dưỡng trong thực đơn ăn dặm của bé. Khi bé được 8 – 10 tháng tuổi, các mẹ có thể cho bé ăn dặm với loại trái cây này. Ngoài chất dinh dưỡng dồi dào, đu đủ còn có mùi vị thơm ngon và hợp khẩu vị của trẻ em.
Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho các mẹ thông tin về giá trị dinh dưỡng của đu đủ, cách lựa chọn và bảo quản đu đủ kèm theo những gợi ý giúp mẹ chế biến nên những món ăn ngon miệng từ loại trái cây tuyệt vời này.
Giá trị dinh dưỡng của đu đủ
Giá trị dinh dưỡng nổi bật của đu đủ là giàu vitamin C, vitamin và vitamin E. Đây còn là nguồn cung cấp chất xơ và acid folic dồi dào cho cơ thể.
Trong khoảng 200g đu đủ tươi, gọt vỏ chứa thành phần dinh dưỡng như bảng sau
Vitamin | Hàm lượng | Chất khoáng | Hàm lượng |
Vitamin A | 2185 IU | Kali | 419 mg |
Vitamin B1 | 0.06 mg | Phot pho | 23 mg |
Vitamin B2 | 0.07 mg | Ma nhê | 48 mg |
Vitamin C | 140.1 mg | Can-xi | 46 mg |
Vitamin K | 6 mcg | Sắt | 0.57 mg |
Lựa chọn đu đủ như thế nào để có thực đơn hoàn hảo cho bé ăn dặm?
Đu đủ khá mềm nên phần quả dễ bị dập bởi tác động nhẹ. Nhờ phần vỏ dày, phần thịt quả sẽ được bảo vệ khỏi những vết thâm trên thân, nếu bạn không để quá lâu làm các vết thâm loang rộng. Dựa vào loại đu đủ, bạn có thể chọn loại đu đủ có màu vàng tươi hoặc hơi ngả sang màu đỏ cam.
Sự lựa chọn tốt nhất dành cho những trái đu đủ có vỏ còn xanh, đang bắt đầu chuyển sang vàng. Tuy nhiên những quả này sẽ không chín lắm và ruột vẫn hơi cứng, bạn cần đợi thêm một vài ngày nữa để có thể ăn được.
Bạn có thể bảo quản đu đủ còn nguyên trái trong tủ lạnh, hoặc để đu đủ đã được cắt thành từng khối vào trong túi đóng kín và giữ lạnh.
Đâu là cách tốt nhất để chế biến đu đủ cho bé ăn dặm?
Cách chuẩn bị và chế biến đu đủ rất đơn giản, bạn chỉ cần gọt vỏ, bỏ hạt, cắt thành từng lát hoặc cắt thành hạt lựu. Khi xong các bước chuẩn bị này, bạn chỉ cần bỏ đu đủ vào nghiền nhuyễn để bé có thể tiêu hóa được. Nếu bé được hơn 1 năm tuổi và mọc răng nhiều, bạn có thể cho bé ăn đu đủ tươi, được cắt thành những miếng nhỏ như hạt lựu.
Một số mẹ có con nhỏ nhạy cảm với thức ăn thường luộc sơ đu đủ để giảm bớt đường và chất xơ để bé dễ tiêu hóa hơn. Nếu bạn cảm thấy bé nhà mình có giống trường hợp này, hãy cắt khúc đu đủ và luộc trong vòng 5 – 10 phút cho đến khi thật mềm.
Công thức chế biến các món ăn từ đu đủ
Đu đủ nghiền
Thành phần:
1 quả đu đủ chín
Thực hiện:
- Gọt vỏ, bỏ hạt, và cắt thành từng khúc
- Dùng máy nghiền nhuyễn hoặc dùng rây tán đều, tùy khẩu vị của bé.
Sữa chua đu đủ và đào
Thành phần:
- 100 gam đu đủ đã gọt vỏ
- 100 gam đào đã gọt sạch vỏ
- 1 hũ sữa chua
Thực hiện:
- Cắt đu đủ và đào thành hạt lựu, cho vào máy xay nhuyễn
- Thêm sữa chua vào và trộn đều
- Thêm bột ngũ cốc để làm hỗn hợp đặc hơn (nếu muốn)
Cháo thịt gà nhiệt đới
Thành phần
- 50 gam gạo nâu hoặc gạo hương lài
- 500 ml nước
- 100 gam đu đủ cắt khúc
- 100 gam xoài cắt khúc
- 100 gam ức gà đã bỏ xương
Thực hiện
- Thịt gà cắt nhỏ, ướp gia vị vừa phải
- Gạo vo sạch, thêm vào 500 ml, bắt lên bếp nấu trong vòng 30 phút để gạo nở đều, có mùi thơm.
- Sau đó, cho thịt gà, đu đủ và xoài vào nồi, nấu thêm 15 phút để các nguyên liệu chín đều. Bạn cần khuấy đều tay và thêm một ít nước để cháo không dính vào nồi.
- Sau khi cháo chín, để nguội khoảng 10 phút, sau đó cho vào máy xay và xay nhuyễn.
Đây là món ăn không chỉ dành cho trẻ sơ sinh mà còn cho các bé đang đi chập chững. Tùy độ tuổi của bé, bạn có thể điều chỉnh độ đặc – lỏng của món ăn.