Một sự thay đổi cơ bản mà ai cũng có thể nghĩ đến đối với ngoại hình của một bà bầu là một chiếc bụng tròn xoe và ngày càng to hơn. Tuy nhiên, bà bầu thay đổi ngoại hình không chỉ ở mỗi phần bụng, mà còn nhiều bộ phận khác trên cơ thể.
Từ khi mang thai, cơ thể các mẹ bầu đã dần có sự thay đổi hoạt động của các hóc môn khi mang thai. Nhưng hầu hết sự thay đổi này thường trở nên rõ rệt hơn từ giữa thai kỳ. Các mẹ bầu chú ý xem đến thời điểm mang thai hiện tại, mình có những nét thay đổi nào sau đây nhé.
Tóc dày và bóng mượt hơn
Sự thật không phải tóc bạn đang mọc nhiều hơn, mà chỉ là tóc rụng ít đi. Trong suốt thai kỳ, cơ thể bạn có xu hướng giảm rụng tóc rất nhiều so với trước đây. Nếu như trước đây bạn có mái tóc mảnh, vậy thì giờ đây bạn hoàn toàn có thể tận hưởng cơ hội có tóc dày và đẹp như thế này. Nhưng nếu bạn vốn dĩ đã có một mái tóc dày, và sự thay đổi này khiến bạn cảm thấy phiền hà, bạn có thể thay đổi kiểu tóc mới mẻ, gọn gàng và xinh tươi hơn.
Mọc lông trên cơ thể
Các hóc môn sinh dục như androgens có thể khiến bạn mọc nhiều lông tơ trên cằm, môi trên, quai hàm và hai má. Những sợi lông tơ còn có thể xuất hiện trên bụng, cánh tay, chân và lưng của mẹ bầu.
Để xử lý với sự thay đổi đáng ngại này, bạn có thể sử dụng bất cứ biện pháp loại trừ nào, như waxing lông, cạo hoặc nhổ. Những biện pháp này đều có thể giúp kiểm soát những thay đổi tạm thời này.
Móng tay mọc nhanh hơn
Bạn có nhận thấy điều này không? Móng tay của bạn có thể mọc sớm hơn bình thường, và có thể thay đổi cả về kết cấu của chúng. Một vài bà bầu có thể cảm thấy móng tay mình trở nên cứng hơn, một số khác có thể mềm hơn hoặc giòn và dễ gãy hơn.
Để đối phó với trường hợp này, mẹ bầu có thể sử dụng găng tay cao su khi rửa chén, giặt đồ hoặc lau dọn. Nếu móng tay của bạn bị giòn và dễ gãy, hãy dùng kem dưỡng ẩm mỗi ngày.
Da dẻ kém rạng ngời
Nhiều bà bầu nói rằng làn da của họ trong suốt thai kỳ luôn xấu hơn so với trước đây. Một số khác còn cho rằng việc mang thai còn khiến cho điều kiện trở nên xấu đi rất nhiều, bằng chứng là mụn mọc nhiều hơn và nhiều nốt tàn nhang xuất hiện.
Các bạn bầu sẽ không có nhiều biện pháp điều trị cho trường hợp này, vì uống thuốc trị mụn là điều không nên làm khi mang thai. Và những thay đổi về da này cũng chỉ là một tình trạng phản ứng tự nhiên của cơ thể khi xuất hiện thêm một cá thể mới cùng sinh sống bên trong. Để giúp da mình ổn hơn một chút, các mẹ nên rửa mặt với sữa rửa mặt mỗi ngày 2 lần, đồng thời tránh các loại mỹ phẩm và kem dưỡng ẩm có chứa dầu.
Rạn da
Khi bụng của bạn ngày càng nở rộng để chừa chỗ cho em bé phát triển, bạn sẽ cảm thấy những cơn đau rất nhỏ và nhẹ ở các mô hỗ trợ nằm ngay dưới da, và rồi, vị trí đó xuất hiện các vết rạn nhỏ có màu vàng, đỏ hoặc nâu. Những vết này sẽ dần mờ đi và nhạt dần đến mức không thể nhìn thấy trong 12 tháng sau sinh.
Đây là một hiện tượng thay đổi vô cùng bình thường của cơ thể, bạn không thể ngăn chặn hay phòng ngừa được. Thậm chí, hiện nay vẫn chưa có loại thuốc nào giúp xóa tan các vết ran này. Các loại thuốc bạn sử dụng chỉ có thể hỗ trợ làm mờ vết rạn, giúp cho màu da xung quanh và ở vết rạn tương tự với nhau, chứ không thể hoàn toàn xóa tan chúng.
Điều bạn có thể làm để tránh hay hạn chế vết rạn khi mang thai là đừng tăng cân nhiều hơn so với mức tiêu chuẩn theo lời khuyên của bác sĩ, và cũng đừng để tăng cân quá nhanh.
Thay đổi màu da
Sự gia tăng hóc môn melanin có thể tạo nên các vùng da sẫm màu trên mặt bạn. Sự thay đổi sắc tố da có thể tăng nhanh khi bạn tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Hãy bảo vệ da bằng cách sử dụng kem chống nắng UVA và UVB, với độ chống nắng SPF từ 30 trở lên, nhớ đội nón rộng vành khi ra đường và tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời vào thời điểm mặt trời lên cao (từ 10 giờ sáng đến 2 giờ trưa)
Chân sưng to
Kích thước bàn chân bạn có thể tăng thêm 0.5 so với trước đây. Dây chằng giãn ra khiến cho bàn chân của bạn cũng to ra thêm một chút – và nó sẽ giữ nguyên kích thước này, không trở lại như ban đầu sau khi sinh xong.
Một trong những nguyên nhân khác khiến chân bạn sưng lên là do sự tích nước trong chân, vì tuần hoàn máu ở chậm và thay đổi hóa chất trong máu. Đây là chứng phù nề ở phụ nữ mang thai.
Để tránh tình trạng này, bạn không nên đứng hoặc ngồi yên quá lâu, thường xuyên kéo giãn bàn chân khi bạn ngồi và rèn luyện thể dục để tăng cường tuần hoàn máu.