Bà bầu có được ăn cua nhiều hay không? Đó là điều nhiều mẹ bầu muốn biết. Và câu trả lời là ăn cua quá nhiều có thể gây sảy thai, các mẹ cần hết sức lưu ý.
Bà bầu cần bổ sung rất nhiều chất dinh dưỡng trong suốt thời gian mang thai để đảm bảo sự phát triển bình thường của em bé và sức khỏe của mẹ. Trong rất nhiều loại thực phẩm, mẹ bầu sẽ cảm thấy băn khoăn khi cần đưa ra lựa chọn loại thức ăn cho mình, khi cần đảm bảo các yếu tố thực phẩm giàu dưỡng chất, không gây hại và hợp khẩu vị.
Những món hải sản luôn được nhiều phụ nữ nói chung và phụ nữ mang thai nó i riêng yêu thích, và có thể ăn rất nhiều. Một trong số những loại hải sản được yêu thích nhiều nhất chính là cua. Tuy nhiên, các mẹ cần chú ý khi ăn loại thực phẩm này, vì nó có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi.
Lợi ích của cua đối với sức khỏe
Thông thường, hầu hết các loại hải sản là thực phẩm cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng cho bà bầu, đặc biệt là axit béo omega 3 và các loại vitamin B12. Và cua cũng không là ngoại lệ, loại hải sản này chứa rất nhiều đạm, các loại vitamin và khoáng chất thiết yếu cho sức khỏe.
Protein trong cua rất dồi dào, chỉ cần một phần ăn với 85 gam cua sẽ cung cấp cho cơ thể bạn 16.45 gam protein, tương đương với 36% lượng protein cơ thể cần mỗi ngày. Nguồn vitamin B12 trong thịt cua cũng là một con số đáng ngạc nhiên. Trong khi bạn cần 2.4 mg vitamin B12 mỗi ngày, 85 g thịt cua sẽ cung cấp cho bạn 9.78 mg, gấp 4 lần so với lượng vitamin B12 mà bạn cần. Vitamin B12 vô cùng quan trọng cho sự phát triển của tế bào não, vì vậy, vitamin B12 đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ mang thai, nhằm kích thích phát triển tế bào thần kinh của thai nhi.
Vì sao cua có thể là loại thực phẩm gây sảy thai?
Mặc dù cua đem lại rất nhiều lợi ích dinh dưỡng cho mẹ bầu, nhưng những rủi ro của loại thực phẩm này đối với cơ thể có thể rất nguy hiểm. Nguyên nhân lớn nhất chính là chất độc thủy ngân chứa trong thịt cua, và cholesterol có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ bầu.
Chất độc thủy ngân được biết đến như là một chất có thể gây ảnh hưởng đến trí não và hệ thần kinh của thai nhi. Đặc biệt là trong 3 tháng mang thai đầu tiên, các mẹ bầu nên tránh ăn cua vì chất độc này có thể khiến cho thai nhi yếu dần, có thể dẫn đến chảy máu âm đạo hoặc sẩy thai.
Lượng thủy ngân có trong mỗi loại cua sẽ khác nhau, vì vậy lựa chọn loại cua cho bữa ăn là điều quan trọng. Loại cua chứa ít thủy ngân nhất là cua hoàng đế, và mẹ bầu có thể ăn không quá 150 gam/tuần.
Bên cạnh đó, natri và cholesterol trong cua cũng rất nhiều, 85 gam thịt cua chứa đến 911 mg natri và 45 mg cholesterol. Ăn nhiều cholesterol và natri khiến cho mẹ bầu dễ mắc các bệnh tim mạch, mà bệnh tim mạch có thể gây nguy hiểm đến thai nhi, như tiền sản giật, cao huyết áp… Bạn không được nạp vào cơ thể quá 300 mg cholesterol/ngày và 2300 mg natri/ngày. Vì vậy một lượng 150 gam cua/tuần là khẩu phần an toàn cho bà bầu.
Vì món cua là món ăn yêu thích của nhiều bà bầu, và chứa rất nhiều lợi ích dinh dưỡng, bạn không thể loại bỏ hoàn toàn trong suốt thời gian mang thai. Hãy chú ý lượng cua bạn ăn mỗi tuần, và chế biến cùng nhiều loại thực phẩm khác nhằm hạn chế lượng cua bạn sẽ ăn ở mức hợp lý. Hãy thử chế biến món súp cua thơm ngon cho bà bầu, món ăn này vừa giúp bạn xóa bỏ cảm giác thèm đồ hải sản, vừa cung cấp một lượng cua vừa phải phù hợp cho phụ nữ trong thời gian mang thai.