Bé sắp tròn 12 tháng tuổi trong một vài tuần nữa, bé 12 tháng tuổi biết làm gì? Trải qua gần một năm bao bọc và chăm sóc chu đáo cho cục cưng nhà mình, không một ông bố bà mẹ nào lại không mong mỏi xem con mình sẽ phát triển như thế nào ở cột mốc quan trọng này. Nếu từ trước đến giờ, bé chỉ mới có thể bước đi nhờ sự hỗ trợ của người lớn, thì trong tháng này bé có thể sẽ tự thân vận động được. Bên cạnh đó, những thay đổi và tiến bộ của bé cho đến tháng này có thể khiến cho ba mẹ bất ngờ.
Bé 12 tháng tuổi biết làm gì?
Tuần 45: Từ tuần này, bé bỗng muốn tự mình ăn cơm hơn là để mẹ đút cho, bằng chứng là cô cậu nhóc này không ngừng giành lấy muỗng từ tay bạn. Nhiều bà mẹ sẽ không cho con tự cầm muỗng vì bé luôn làm mọi thứ vương vãi ra sàn hoặc bàn ăn mỗi khi tự ăn. Nhưng mẹ đừng ngăn cản bé, bé cần luyện tập rất nhiều trước khi thực sự thuần thục các kỹ năng này. Sự khuyến khích của bạn sẽ tạo động lực để bé phát triển tốt hơn.
Bé còn rất hứng thú trong các trò chơi vận động vì bé đã có thể nắm các dụng cụ một cách nhuần nhuyễn và nắm gọn các món đồ nhỏ trong tay. Cô cậu nhóc thậm chí còn hứng thú trong các trò chơi vận động để tăng cường sức mạnh của cơ tay và chân.
Các trò chơi như đẩy ném hoặc đập vào đồ chơi có thể rất hứng thú đối với bé. Cậu nhóc sẽ thích thú chơi các món đồ chơi như ném bóng nhựa, cho đồ chơi vào rổ rồi lại đổ ra.
Tuần 46: Bé ngày càng bộc lộ cá tính của mình rõ ràng hơn. Bé có những ý thích, suy nghĩ riêng và không ngại thể hiện cho bạn thấy điều đó. Mỗi lúc thay tã, bạn cũng gặp nhiều khó khăn hơn, đặc biệt là khi cục cưng của bạn không ngừng cựa quậy và uốn éo. Tuy nhiên, đây được xem là một bước phát triển rất đáng lạc quan.
Giao tiếp với bé trong giai đoạn này đã trở thành những cuộc giao tiếp hai chiều, tức là bạn sẽ hỏi và bé có thể hồi đáp…bằng hành động. Nếu bạn yêu cầu bé chỉ vào một vài bộ phận cơ thể, đặc biệt là trên mặt, bé có thể chỉ ra được các bộ phận đó. Tương tự đối với một số đồ dùng hoặc dụng cụ quen thuộc cũng vậy.
Tuần 47: Để hạn chế các tai nạn hoặc các vết thương ngoài da có thể xảy ra với bé, bạn nên tạo một khu vực vui chơi rộng rãi dành riêng cho con với mặt sàn được lót bằng nệm hoặc mút. Mặc dù bạn để con tự do khám phá theo đúng nhu cầu phát triển của bé, bạn cũng cần đặt ra những giới hạn. Bạn hãy hướng dẫn bé một số quy định cơ bản để giữ an toàn như chỉ cho bé đâu là nơi bé có thể chơi được, đâu là nơi không được bước tới. Mỗi lần bé thực hiện đúng và không đặt chân vào những khu vực cấm, hãy khen thưởng bé bằng một nụ hôn, một cái ôm kèm theo một lời tán thưởng.
Tuần 48: Nếu đến tuần này mà bé vẫn chưa biết đi, những hoạt động của bé sẽ không thay đổi nhiều, “kịch bản cũ” sẽ được giữ nguyên. Bé vẫn bám vào đồ dùng nội thất trong nhà để đứng dậy, tập bước đi nhờ hỗ trợ của mẹ hoặc người lớn trong gia đình, và hầu như chẳng bao giờ muốn ngồi xuống hay nghỉ chân.
Nếu trong thời gian này, bé đã có thể tự đi được, mẹ đừng bỏ lỡ cơ hội giữ lại những khoảnh khắc tuyệt vời này. Bạn có thể mỉm cười vì hạnh phúc với “thành tựu” mới của cục cưng nhà mình, nhưng cũng có thể vì dáng đi của cô/cậu thật buồn cười, với hai bàn chân hướng ra hai bên. Khi bé có đủ tự tin và sức mạnh, bé sẽ bắt đầu đi cân bằng hơn.
Những câu bi ba bi bô của bé có ý nghĩa không?
Những từ hoặc cụm từ mà bé có thể nói chỉ là “ba ba” hoặc ‘ma ma”, nhưng bé lại nói liên tục các âm này, khiến cho bạn cảm thấy bé đang nói một thứ ngôn ngữ khác. Mặc dù bạn không hiểu con nói gì, bé lại có thể hiểu bạn rất tốt. Nếu bạn hỏi hay yêu cầu bé điều gì, bé chắc chắn sẽ đáp lại bạn bằng cử chỉ hoặc hành động.
Ngay từ lúc này, bạn hãy dạy bé những biểu hiện một cách đàng hoàng, như luôn luôn nói lời cảm ơn để bé quen dần. Đồng thời, hãy cho bé góp mặt vào bữa cơm gia đình. Trong lúc mọi người ăn cơm, bé cũng sẽ tự mình bốc những món ăn có thể cầm nắm bằng tay được, như một người lớn thực sự.