Trẻ em trong năm thứ hai thường có xu hướng phát triển chậm hơn so với năm đầu tiên. Nếu nói năm thứ nhất là thời gian bé cần nhiều dinh dưỡng nhằm đạt được các cột mốc quan trọng về thể chất thì năm thứ hai là lúc bé phát triển trí não và tăng cường vận động. Vì vậy, so với tốc độ phát triển của bé trong những tháng trước thôi nôi, tốc độ của năm thứ 2 có phần chậm hơn, thậm chí là có dấu hiệu thụt lùi. Một trong những nguyên nhân của việc chậm phát triển về cân nặng là do bé hay nhè cơm, biếng ăn và hay bỏ bữa.
Bạn sẽ phần nào cảm thấy lo lắng vì cân nặng của trẻ không tăng nhiều so với lúc bé được 1 tuổi, cộng thêm chứng biếng ăn, hay bỏ bữa hoặc nhè cơm khi đang ăn. Dù muốn hay không, các mẹ cũng cần chấp nhận một sự thật rằng trong giai đoạn, bé sẽ lơ là việc ăn uống, thay vào đó là chú tâm và hứng thú với việc chơi, tập đi lại, khám phá các món đồ chơi và nghịch phá. Dù bé có ăn uống nhiều hơn một chút so với lúc chưa tròn 1 tuổi, bé cũng không tăng cân nhiều vì hầu hết năng lượng trong thức ăn được đốt cháy trong khi bé vận động. Đây là dấu hiệu đáng mừng vì con bạn sẽ có ít nguy cơ mắc bệnh béo phì và các bệnh tim mạch liên quan đến vấn đề thừa cân.
Một lý do khiến trẻ hay nhè cơm ra ngoài có thể là do thức ăn quá cứng, không hợp khẩu vị hoặc trẻ đã no bụng. Hoặc có thể là bé muốn ăn một món ăn nào khác, và muốn ăn ngay lập tức, nên trẻ đã nhả hết đồ ăn trong miệng để được ăn món yêu thích.
Các mẹ nên làm gì khi trẻ lười ăn và hay nhè cơm?
Cung cấp những thực phẩm cân bằng dinh dưỡng
Khi bé ở độ tuổi này, bạn không cần bắt buộc bé phải ăn một lượng thức ăn nhất định mỗi ngày theo từng bữa ăn nhất định, mà nhấn mạnh vào chế độ dinh dưỡng cân bằng. Chế độ dinh dưỡng không chỉ tính về lượng thức ăn mỗi ngày, mà còn cần cân bằng chất dinh dưỡng có trong món ăn mà bé ăn vào.
Bạn không cần ép bé đáp ứng dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn hoặc trong ngày, vì trẻ ăn rất ít. Các mẹ có thể tính toán chế độ dinh dưỡng cho trẻ theo từng tuần hoặc mỗi tháng đều được.
Chuẩn bị nhiều hơn những thức ăn mềm
Măc dù ở thời điểm này, trẻ mọc nhiều răng hơn, kỹ năng nhai của trẻ vẫn chưa thật sự hoàn thiện. Bạn sẽ để ý thấy rằng, răng cửa và năng nanh của bé đã mọc đầy đủ, và bạn nghĩ rằng trẻ có thể nhai được những món ăn cứng hơn, hoặc ăn thức ăn cứng sẽ giúp trẻ nhanh chóng nâng cao kỹ năng nhai Nhưng sự thật là răng cửa và răng nanh có làm nhiệm vụ xé thức ăn là chính, trong khi răng hàm mới làm đảm nhận chức năng nhai. Ở độ tuổi của bé, răng hàm chưa mọc đầy đủ và không khớp nhau, nên hầu hết trẻ vẫn sẽ dùng lợi để nhai.
Vì vậy các mẹ hãy chuẩn bị cho bé các món ăn mềm, dễ nhai và dễ ăn. Không nên cho bé ăn thức ăn nghiền nát, và thức ăn nhuyễn như giai đoạn bé chưa được 12 tháng tuổi, vì đối với các món ăn này, bé chỉ cần nuốt chứng mà không cần nhai, điều đó ảnh hưởng đến việc rèn luyện kỹ năng nhai của trẻ.
Không nên cho bé ăn những món có vị quá nồng
Vị giác của trẻ thường làm quen với vị ngọt dịu và mùi thơm, và cần nhiều thời gian để làm quen với các vị khác. Vì vậy, bé sẽ rất kén trong việc lựa chọn món ăn phù hợp khẩu vị, một món ăn bạn cảm thấy rất ngon và hợp khẩu vị chưa chắc được trẻ đón nhận hay thích thú.
Để đa dạng khẩu vị phù hợp cho bé, bạn nên bắt đầu từ những món có vị nhạt, thanh, và bắt đầu đến vi ngọt và mặn. Và dù bạn cho bé ăn ngọt hay mặn, bạn nên nêm nếm nhẹ, vị nhạt thanh để bé tập dần quen với các món ăn nhạt thanh đạm. Nêm nếm càng ít đường, muối và gia vị thì thức ăn càng tốt cho sức khỏe và lành mạnh.
Không ép hoặc hối thúc bé ăn, cho ăn theo thực lượng riêng của bé
Nếu bạn hối thúc trẻ ăn nhanh, hay đút thức ăn cho trẻ quá nhanh, bạn sẽ khiến trẻ cũng cảm thấy vội vàng như bạn và nuốt hết thức ăn thật nhanh mà không cần nhai. Điều này không tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ, vì những thức ăn chưa được nhai kĩ khi vào dạ dày sẽ khiến dạ dày hoạt động nhiều hơn, và ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng.
Ăn nhanh và cho quá nhiều thức ăn trong miệng cũng khiến trẻ phải nhè thức ăn ra ngoài để có thêm không gian để nhai thức ăn.