Không thể kiểm soát nước tiểu là một tình trạng vô cùng khó chịu đối với phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, triệu chứng rò rỉ nước tiểu sau sinh còn gây nhiều phiền toái hơn. Vì sao sau khi sinh con, tình trạng này vẫn chưa thể kết thúc?
Tại sao một số bà mẹ sau khi sinh xong vẫn phải đối mặt với triệu chứng rò rỉ nước tiểu sau sinh mỗi khi hắt hơi hoặc ho?
Bình thường, các dây thần kinh, dây chằng và cơ sàn chậu sẽ phối hợp với nhau để hỗ trợ cho bàng quang và giữ cho ống tiểu đóng lại để nước tiểu không bị rò rỉ không kiểm soát ra ngoài. Việc kéo giãn quá mức hoặc làm tổn thương đến những khu vực này trong thai kỳ hoặc sinh con có thể khiến cho các cơ quan này không hoạt động “ăn ý” với nhau.
Rò rỉ nước tiểu là tình trạng phổ biến đối với nhiều phụ nữ mang thai, và một số người vẫn sẽ tiếp tục chịu đựng nó ngay cả sau khi sinh em bé, nếu những cơ quan nói trên bị thương trong quá trình chuyển dạ sinh con.
Những mẹ bầu nào dễ có khả năng bị rò rỉ nước tiểu sau khi mang thai?
Những mẹ bầu sinh con tự nhiên thường có khả năng gặp phải tình trạng này hơn so với những mẹ bầu sinh mổ. Tuy nhiên, một số mẹ bầu tránh các cơn chuyển dạ và theo kế hoạch sinh mổ ngay vẫn có khả năng chịu đựng tình trạng này.
Một vài nghiên cứu cho rằng sinh thường với thiết bị hỗ trợ, đặc biệt là sử dụng cặp thai nhi, sẽ góp phần tăng nguy cơ kéo dài tình trạng này sau sinh. Một số nghiên cứu khác cho thấy mẹ bầu sinh con trải qua giai đoạn rặn sinh quá lâu hoặc sinh con quá lớn cũng có nhiều nguy cơ mắc phải tình trạng này.
Những mẹ bầu bị béo phì thường có khả năng gặp phải tình trạng này cao gấp 4 lần, và người hút thuốc cũng tiềm tàng nguy cơ cao hơn. Các bà mẹ từng trải qua sinh con nhiều lần cũng có nguy cơ bị rò rỉ nước tiểu sau khi sinh.
Triệu chứng rò rỉ nước tiểu sẽ kéo dài bao lâu?
Hầu hết các mẹ đều nhận thấy tình trạng này sẽ dần hết đi ngay sau khi sinh. Đối với một số người, triệu chứng rò rỉ sẽ chấm dứt hoàn toàn hoặc xảy ra với tần suất ít hơn so trong một vài tuần sau sinh. Trong khi một số khác lại phải chịu tình trạng đó trong một khoảng thời gian rất lâu trong vài tháng hoặc có thể lâu hơn.
Mẹ nên làm gì để giảm triệu chứng rò rỉ nước tiểu sau sinh?
Khi bạn nhận thấy mình đang ở trong tình trạng này, bạn nên đến khám bác sĩ để kiểm tra xem mình có mắc phải bệnh truyền nhiễm đường bài tiết hay không, đặc biệt nếu bạn cảm thấy đau hoặc xót khi đi tiểu.
Các bài tập Kegel sẽ giúp bạn làm giảm các triệu chứng rò rỉ nước tiểu và biến các hoạt động đó trở thành thói quen dài hạn. Nếu bạn thực hiện đúng và thường xuyên, các động tác này có thể làm săn chắc các cơ sàn chậu, giúp các bà mẹ kiểm soát được việc bài tiết nước tiểu. Để đảm bảo mình tập luyện đúng, bạn sẽ cần đến huấn luyện viên hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ sau sinh.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên áp dụng các mẹo nhỏ sau đây:
– Cố gắng vắt chéo hai chân và giữ chặt cơ sàn chậu khi cảm thấy muốn hắt xì hơi hoặc ho.
– Hạn chế caffeine.
Nếu đã thực hiện bài tập Kegel hơn một tháng nhưng tình trạng này không được cải thiện, các mẹ sẽ cần đến phương pháp trị liệu cho sàn chậu, một số trường hợp hiếm gặp cần đến giải phẫu.
Phương pháp điều trị khung chậu còn có thể điều tị các vấn đề khác liên quan đến bài tiết. Một số bà mẹ cảm thấy muốn đi tiểu ngay lập tức, dù bàng quang không chứa nhiều nước tiểu. Điều này khiến họ muốn đi vào nhà vệ sinh ngay lập tức, hoặc họ sẽ bị rò rỉ nước tiểu ra ngoài trước khi có thể yên vị trong nhà vệ sinh.