Trẻ sơ sinh bị ho do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, phần lớn là do cảm lạnh. Tuy nhiên, có rất nhiều trẻ sơ sinh bị ho do nhiễm virus, viêm xoang, ho gà,… gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là một số đặc điểm và nguyên nhân của từng loại bệnh
Trẻ sơ sinh bị ho do nhiễm virus RSV
RSV là bệnh ho do nhiễm virus hợp bào hô hấp. Triệu chứng của RSV tương tự như triệu chứng cảm lạnh nhưng diễn biến cơn ho ngày càng nặng và hơi thở của bé trở nên mệt nhọc. Bệnh thường xảy ra và thời gian giao mùa, nhất là vào giữa tháng 11 và giữa tháng 3. Nếu trẻ không được chữa trị kịp thời có thể dẫn tới viêm tiểu phế quản và viêm phổi, đặc biệt là ở trẻ dưới một tuổi.
Trẻ bị viêm thanh quản
Nhiều trường hợp trẻ sơ sinh bị ho do viêm thanh quản. Biểu hiện của bệnh là bé có những cơn ho sâu, tiếng ho ông ổng, có tiếng rít khi bé thở. Bé có thể bị sốt cao, mệt mỏi, kém ăn khi bị viêm thanh quản. Do đó cần được kiểm tra và điều trị kịp thời.
Trẻ bị viêm xoang
Trường hợp bé bị ho, sổ mũi kéo dài ít nhất 10 ngày mà không có dấu hiệu cải thiện và bé đã được khám để loại trừ viêm phế quản, phổi thì có thể bé đã bị viêm xoang. Bạn nên cho bé đi tái khám để cho thuốc phù hợp.
Trẻ sơ sinh bị ho gà
Hiện nay vắc xin tiêm phòng bệnh ho gà đã được sử dụng rộng rãi, tuy nhiên vẫn có một số bé không được tiêm phòng đầy đủ. Triệu chứng của bệnh là bé ho không ngừng suốt 20-30 giây, bé phải gắng thở trong những cơn ho liên tiếp. Bé có thể bị sổ mũi hoặc cảm lạnh đi kèm, gia đình cần chú ý giữ ấm cho trẻ nhất là vào mùa lạnh.
Bệnh xơ nang
Bệnh xơ nang còn có tên gọi khác là cystic fibrosis – CF. Theo ước tính cứ 3.600 trẻ thì có 1 trẻ có nguy cơ mắc bệnh xơ nang. Đây là một căn bệnh có tính chất di truyền trong gia đình. Ngoài việc trẻ sơ sinh bị ho khi mắc bệnh, CF còn ảnh hưởng đến phổi và hệ tiêu hóa với các triệu chứng từ nhẹ đến nặng bao gồm: khó thở; ho ra đờm đặc quánh; không thể tăng cân; đại tiện thường xuyên, ra nhiều phân và phân có mùi hôi; da có vị mặn; nhiễm trùng phổi tái phát; tắc nghẽn ruột do phân su ở trẻ sơ sinh. Bệnh này cần được đi khám và điều trị kịp thời bởi các bác sĩ chuyên khoa vì thường hay bị nhầm với một số bệnh khác có biểu hiện tương tự như: viêm phế quản, viêm phổi, hen, ….
Cơn ho của bé dù có nhẹ thì cha mẹ cũng không nên bỏ qua vì bé còn nhỏ, sức đề kháng yêu nên rất dễ kiệt sức. Tốt nhất, bạn nên đưa bé đi khám bác sĩ. Nếu bé chỉ bị những cơn ho thông thường, bạn có thể dùng một số bài thuốc tự nhiên của dân gian để chữa trị cho bé thay vì uống thuốc tây. Lưu ý là đừng quên tham khảo ý kiến của bác sĩ nhé!