Trầm cảm sau sinh là chứng bệnh nguy hiểm và dai dẳng, có thể ảnh hưởng đến chính các bà mẹ và cả người thân. Tìm hiểu và phát hiện về bệnh sớm sẽ giúp cho mẹ tránh được những tình huống đáng tiếc.
Chứng trầm cảm sau sinh có một sự thật kì lạ, đó là nó có thể xảy ra đối với bất cứ phụ nữ thuộc quốc gia nào với bất cứ tình trạng sau thai kỳ như thế nào, dù là sẩy thai, thai chết lưu, sinh thường hay sinh mổ. Trầm cảm sau sinh có thể xảy ra đối với phụ nữ sinh con đầu lòng hay con sau.
Chứng trầm cảm sau sinh được chia thành 3 giai đoạn phát triển, giai đoạn phát bệnh, giai đoạn trầm cảm trung bình và trầm cảm nghiêm trọng.
Nguyên nhân gây chứng trầm cảm sau sinh ở phụ nữ
Hóc môn thay đổi đột ngột sau khi sinh, giảm đột ngột estrogen và progesteron có thể là nguyên nhân gây nên chứng trầm cảm sau sinh.
Hóc môn tuyến giáp giảm nhanh chóng gây ra cảm giác mệt mỏi và trầm cảm đối với các mẹ.
Mâu thuẫn về tài chính, thiếu sự hỗ trợ từ người thân, hoặc bà mẹ khi mang thai và chuyển dạ gặp phải cú sốc tâm lý.
Gặp khó khăn và căng thẳng khi chăm sóc trẻ sơ sinh. Công việc này đôi khi là một áp lực đối với những người làm mẹ lần đầu tiên, khiến họ mất kiểm soát và cảm thấy bị áp đảo.
Yếu tố duy trì: Nếu gia đình có người mắc bệnh về thần kinh hoặc bị trầm cảm, bà mẹ có thể mang gen di truyền và mắc phải chứng này.
Cách nhận biết chứng trầm cảm sau sinh
Triệu chứng của chứng trầm cảm sau sinh từ 24 giờ đến một vài tháng. Ban đầu, những thay đổi về tâm lý của những người mới làm mẹ thường khó nhận biết, và khó phân biệt với những triệu chứng mệt mỏi, uể oải. Chính điều đó làm cho các mẹ thường bỏ lơ và không tìm đến sự giúp đỡ từ những người thân trong gia đình, hoặc bác sĩ sớm, khiến bệnh kéo dài trầm trọng hơn.
1/ Lo lắng
Những bà mẹ tinh thần suy yếu thường có những mối lo lắng thường trực, chủ yếu về sức khỏe của bản thân. Họ luôn có cảm giác mình bị đau ở đâu đó, như ở đầu, ở lưng, ngực hoặc ở cổ, nhưng bác sĩ lại không thể chẩn đoán ra bệnh. Nỗi lo về sức khỏe không tốt khiến cho tinh thần càng căng thẳng và dẫn đến nhiều triệu chứng khác, chẳng hạn như chứng mất ngủ.
2/ Chứng mất ngủ, không phải do giờ giấc ngủ của em bé
Hầu hết những bà mẹ có con nhỏ thường sẽ ngủ ngay khi em bé ngủ, vì họ thường bị mất ngủ và cần hồi phục sức khỏe rất nhiều. Những phụ nữ mắc phải chứng trầm cảm, ngược lại, thường không thể ngủ được mà nằm trằn trọc hàng giờ, và thức dậy rất sớm vào buổi sáng. Điều này làm sức khỏe của các mẹ càng tệ hơn, tinh thần mệt mỏi vì thiếu ngủ.
3/ Mất khẩu vị
Nhiều người không có chút hứng thú nào với các món ăn, mặc dù đó là món ăn yêu thích của mình. Một số mẹ chỉ ăn với suy nghĩ là để có sữa cho con bú, chứ không cảm thấy ngon miệng. Có người bị nghiêm trọng hơn thì có thể cảm thấy buồn nôn khi nghe nhắc hay suy nghĩ đến đồ ăn, thực phẩm.
Ngược lại thì một số mẹ ăn nhiều hơn bình thường do lo lắng và căng thẳng.
4/ Khóc lóc không vì nguyên nhân gì
Nhiều phụ nữ cảm thấy buồn và khóc, nước mắt rơi dễ dàng chẳng vì nguyên nhân gì cả, dù là đêm hay ngày.
5/ Không có khả năng xử lý công việc
Công việc lặt vặt trong nhà, chăm sóc con cái hay thậm chí chăm sóc bản thân cũng có thể làm khó các mẹ mắc bệnh trầm cảm, họ dễ dàng cảm thấy kiệt sức hay có cảm giác muốn thoát khỏi những công việc đó.
Những công việc, đáng lẽ nằm trong tầm kiểm soát của các mẹ, thì lúc này lại có thể khiến các mẹ kiệt sức, cả về sức khỏe và tinh thần.
6/ Bị ám ảnh bởi những ý nghĩ xấu
Những ý nghĩ xấu hoặc những viễn cảnh không mấy tốt đẹp có thể xuất hiện trong đầu của một số bà mẹ mắc bệnh trầm cảm sau sinh.
Điều này khiến cho các mẹ lo sợ, có thể họ không muốn chồng đi làm vì sợ tai nạn xe cộ, không dám để cô cho một người thân khác trong gia đình chăm sóc giúp vì sợ những vấn đề xấu xảy ra.
Người nào mắc phải triệu chứng này khi bị trầm cảm sau sinh sẽ bị ám ảnh như vậy liên tục, và không gì có thể khiến họ cảm thấy yên lòng.
7/ Sợ phải ở một mình
Một số người cảm thấy mình cần đi ra ngoài để gặp mọi người, hoặc cần ông xã ở bên cạnh khi ở nhà, vì họ không muốn ở nhà một mình. Triệu chứng bắt đầu là do những triệu chứng lo lắng và bị ám ảnh tạo nên. Chính vì họ lo sợ những điều không may xảy ra và bản thân không thể xử lý được nên lúc nào cũng muốn có người thân ở bên mình và con khi ở nhà.
8/ Giảm trí nhớ và khó tập trung
Một số bà mẹ không thể nói một câu đầy đủ và truyền tải hết ý mình muốn nói, hoặc họ không thể tập trung hoàn toàn vào bộ phim hoặc cuốn sách mà mình đang xem. Nhiều khi họ còn chẳng biết mình nên bắt đầu từ đâu hoặc cảm thấy rối tung lên vì làm nhiều việc cùng một lúc.
9/ Giảm và mất ham muốn tình dục
Thường thì các bà mẹ mắc chứng trầm cảm sẽ không còn cảm thấy hứng thú với chuyện chăn gối trong một thời gian dài. Và triệu chứng này sẽ không kết thúc cho đến khi bệnh trầm cảm được điều trị dứt hẳn.
Các ông bố nên kiên nhẫn và an ủi vợ nhiều hơn. Cách giúp các mẹ cảm thấy thoải mái là các cử chỉ gần gũi nhẹ nhàng, ôm ấp, vuốt ve.
Cách điều trị bệnh trầm cảm sau sinh
Điều trị bằng thuốc
Ngay khi phát hiện những triệu chứng này, mẹ cần đến bác sĩ tâm lý để được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt. Trong quá trình chẩn đoán bệnh, nói chi tiết về triệu chứng và tình trạng sức khỏe bản thân sẽ giúp cho việc chẩn đoán chính xác hơn và từ đó kê đơn thuốc phù hợp.
Việc sử dụng thuốc chống trầm cảm có thể khiến cho các mẹ cảm thấy khó chịu, khô miệng và buồn ngủ. Điều quan trọng là các mẹ cần duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ, giàu vitamin B6 và vitamin B9.
Hỗ trợ từ người thân, đặc biệt là ông xã
Bên cạnh việc sử dụng thuốc, hỗ trợ từ người thân là một yếu tố vô cùng quan trọng và có thể thúc đẩy quá trình phục hồi nhanh hơn. Người thân có thể làm gì để giúp đỡ?
Người thân có thể khuyến khích bà mẹ trầm cảm nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ và uống thuốc theo như chỉ định của bác sĩ. Việc dành thời gian ở bên cạnh họ và săn sóc chu đáo cũng có thể tạo nên những dấu hiệu hồi phục tích cực, hạn chế các triệu chứng lo lắng, sợ hãi và ám ảnh.
Nỗ lực từ chính bản thân người bệnh
Tinh thần lạc quan là yếu tố tiên quyết giúp các mẹ mắc trầm cảm sau sinh hồi phục tốt hơn. Không chỉ người thân và những người xung quanh động viên mà chính những người bệnh hãy nhận thức được các triệu chứng xảy đến với mình và động viên bản thân suy nghĩ tích cực hơn. Hãy nhắc nhở bản thân những cơn đau nhức mà bạn cảm thấy không phải là dấu hiệu của bệnh tim, bệnh u não hay những chứng bệnh nghiêm trọng khác, mà đó là triệu chứng của trầm cảm.
Nghỉ ngơi điều độ, đảm bảo giấc ngủ, ăn uống đầy đủ và bổ sung đa sinh tố để hỗ trợ quá trình điều trị bằng thuốc.