Sau khi đã ghi nhớ 5 điều quan trọng khi tập cho bé tự ăn cơm, mẹ cũng cần biết thêm một số điều còn lại dưới đây. Mẹ sẽ tìm thấy cách giúp cho bữa ăn của con ngon miệng và cách giữ cho tinh thần mình đỡ áp lực khi chăm sóc con và các thành viên khác trong gia đình.
6/ Hướng dẫn cụ thể cho bé
Trước khi tập cho bé tự ăn cơm, mẹ hoặc bố cần làm mẫu cho bé thấy các thao tác diễn ra như thế nào và bé nên thực hiện ra sao. Tư thế ngồi ăn và cách cầm muỗng cũng vô cùng quan trọng, để bé có thể tự ăn cơm một cách hiệu quả nhất. Ngoài ra, mẹ cần hướng dẫn bé cách nhai và nuốt đồ ăn khi nào, để bé không ăn quá nhanh, hoặc quá chậm. Mẹ có thể kể cho bé nghe những câu chuyện đơn giản và sinh động về tác hại của việc ăn không đúng cách như dễ sâu răng, đau dạ dày… hoặc nếu ăn quá chậm thì sẽ không còn thời gian chơi, nghe mẹ kể chuyện…
7/ Kiên trì thực hiện
Khi dạy trẻ tự xúc đồ ăn bạn cần phải kiên nhẫn bởi bé chưa thành thạo ngay được, nếu bạn sốt ruột và lại tự tay xúc cho con thì việc tập cho con tự ăn khó mà thành công. Bạn không nên nóng ruột, không nên sợ bẩn, cần kiên trì giúp và chờ đợi bé.
8/ Trẻ con thích màu sắc sinh động
Một trong những cách hướng sự chú ý của trẻ vào bữa ăn đó là chuẩn bị những món ăn có màu sắc bắt mắt và sinh động. Như mẹ đã biết, bé không thể ăn những món nhiều gia vị hoặc có những mùi lạ, điều bé cần chỉ là một bữa ăn thơm ngon, giàu dinh dưỡng và đẹp mắt. Mà những món ăn có nhiều màu sắc đã đáp ứng được các yếu tố giàu dinh dưỡng và đẹp mắt rồi.Mẹ chỉ cần chăm chút cách trang trí, sáng tạo thêm một chút sẽ khiến bé thích mê.
9/ Chú ý dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng
Dù bạn muốn hướng con đến bất cứ hoạt động gì hay muốn con phát triển kĩ năng nào, bạn đều cần phải chú ý đến dấu hiệu con đã sẵn sàng hay chưa. Đối với việc tập cho bé tự ăn cũng tương tự như vậy, bạn cần quan sát xem con có hứng thú với những giờ tự ăn cơm và yêu thích, tò mò về các loại thực phẩm mà bạn cho con ăn. Hãy cho bé trẻ cơ hội để tự lựa chọn những loại thức ăn phù hợp trong thực đơn đã được chuẩn bị sẵn.
10/ Có quy tắc và kỷ luật
Với những trường hợp bé không nghiêm túc, nghịch phá đồ ăn, ném muỗng đi… bạn cần nghiêm khắc nhắc nhở con tránh để hình thành thói quen xấu sau này. Nếu bé tỏ ra chán và tiếp tục tỏ ra nghịch ngợm, bạn nên hiểu rằng, đây là dấu hiệu cho thấy bé chưa sẵn sàng, hoặc không hứng thú với việc luyện tập tự ăn cơm, và chấm dứt việc “học tập” của bé tại đây và bắt đầu lại ở bữa ăn kế tiếp.