Mẹ bầu sinh mổ thường sẽ không phải trải qua cơn đau chuyển dạ kéo dài liên tục như những mẹ sinh thường, và cũng không tốn nhiều sức. Tuy nhiên, việc phục hồi sau sinh của họ không hề dễ dàng.
Một số mẹ bầu phải trải qua sinh mổ vì một số lý do, nhưng những lý do phổ biến nhất là do điều kiện sức khỏe của các mẹ bầu, hoặc điều kiện của thai nhi không cho phép sinh thường. Có thể những mẹ sinh mổ sẽ cảm thấy khỏe mạnh hơn trong thời gian sinh con và chuyển dạ, nhưng họ sẽ gặp nhiều rắc rối sau sinh và mất nhiều thời gian hồi phục hơn những người sinh thường.
Mẹ bầu cảm thấy như thế nào ngay sau khi sinh mổ?
Sau một cuộc phẫu thuật quan trọng, bạn có thể phải đối mặt với một số vấn đề hậu sinh như đau nhức ở vùng ngực, tâm trạng thất thường, dịch âm đạo tiết ra nhiều. Ngoài ra, tình trạng buồn nôn và chóng mặt có thể diễn ra trong vòng 48 giờ sau khi sinh mổ. Nếu bạn được gây tê ngoài màng cứng, bạn cũng có thể cảm thấy ngứa khắp người. Đối với những tình trạng này, bạn sẽ cần đến một số loại thuốc
Tình trạng hồi phục của mẹ bầu sinh mổ sẽ không còn tính theo ngày, mà sẽ kéo dài vài tuần. Vì vậy, sự hỗ trợ và chăm sóc từ người thân là điều rất cần thiết.
Mẹ bầu sau khi sinh mổ nên cho con bú khi nào?
Mặc dù nhiều mẹ bầu lo ngại tác động của thuốc tê có thể ảnh hưởng đến sữa mẹ, và chưa biết nên cho con bú vào lúc nào. Câu trả lời là các mẹ có thể bắt đầu cho thiên thần nhỏ của mình bú sữa mẹ ngay sau khi sinh mổ, miễn là lúc đó bạn đã cảm thấy tỉnh táo trở lại.
Để tránh tạo sức ép lên vết mổ, bạn nên cho con bú trong tư thế nằm nghiêng, với sự hỗ trợ của y tá hoặc người thân trong gia đình. Việc cho con bú sau khi sinh mổ có thể rất khó khăn và thách thức đối với các mẹ vì những cơn đau âm ỉ ở quanh vết mổ.
Mẹ bầu phục hồi như thế nào một vài ngày sau khi sinh mổ?
Ở khu vực gần vết mổ, các bà mẹ sẽ cảm thấy tê và đau nhức. Vết sẹo sẽ hơi sưng lên và tối màu hơn vùng da tự nhiên. Bất cứ áp lực nào tác động lên vết sẹo cũng có thể gây nên cơn đau nhức khó chịu. Để hạn chế một số tác động bất ngờ như khi cười, ho hoặc hắt hơi, bạn nên đặt bàn tay hoặc gối nhẹ nhàng lên vết mổ.
Cũng giống như nhiều phụ nữ vừa sinh con, dịch âm đạo của bạn sẽ tiết ra khá nhiều, dịch âm đạo này còn chứa cả máu, vi khuẩn và những mô da ở thành tử cung. Những ngày đầu sau khi sinh, dịch âm đạo tiết ra sẽ có màu đỏ tươi hơn những ngày sau đó.
Bạn sẽ cần phải tập hít thở sâu, mở rộng lồng ngực để làm sạch chất lỏng trong phổi, đặc biệt nếu bạn được gây mê toàn thân, việc này rất cần thiết để giảm các nguy cơ mắc bệnh viêm phổi.
Nếu tình trạng của mẹ đã ổn hơn sau khi sinh mổ từ 6 – 8 giờ, mẹ có thể uống nước và ăn nhẹ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bạn cần phải đợi lâu hơn mới có thể ăn bữa đầu tiên sau khi sinh con.
Một trong những vấn đề sau khi sinh mổ khiến các bà mẹ sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu đó là tình trạng chướng bụng do đầy hơi và táo bón. Sau khi được gây tê, ruột hoạt động chậm chạp và kém hơn bình thường, đó là lý do vì sao hơi chứa nhiều trong ruột và phân không được đẩy ra ngoài, dẫn đến tình trạng chướng bụng.
Hầu hết các bà mẹ đều được bác sĩ khuyến khích đi lại sau khi sinh mổ thay vì nằm yên trên giường. Thời điểm bắt đầu tập đi bộ trở lại tùy vào thể trạng của mỗi người, có thể mẹ sẽ đi lại ngay vào ngày sinh mổ, cũng có người mất khoảng 1 – 2 ngày sau đó. Việc đi bộ, dù chỉ là một đoạn ngắn từ giường bệnh vào nhà vệ sinh, có thể đem lại lợi ích lớn cho các bà mẹ, giúp cho máu lưu thông tốt hơn, tránh tình trạng tắc nghẽn máu trong mạch, giúp giảm đau ở vết thương và kích thích ruột hoạt động bình thường trở lại. Lúc đầu, mẹ không cần cố sức ngồi dậy, mà có thể nhờ đến sự hỗ trợ của người thân hoặc y tá.
Ngoài ra, để lưu thông máu xuống chân nhiều hơn, mẹ sẽ cần lắc bàn chân nhiều lần, xoay mắt cá và kéo giãn chân.
Những ngày sau khi sinh mổ ở trong bệnh viện khá là khó khăn với các bà mẹ. Tuy nhiên bạn sẽ cảm thấy vui vẻ và tuyệt vời hơn khi nhìn thấy thiên thần bé bỏng của mình – thành quả vô cùng vĩ đại mà bạn nên tự hào.