Mẹ bầu từng nghe những “truyền thuyết” như thế nào về chuyện sinh nở? Ngoài những cơn co thắt tử cung, những lần rặn sinh em bé, bạn còn từng nghe nói đến “truyền thuyết” rạch tầng sinh môn. Rạch tầng sinh môn là một biện pháp bắt buộc đối với một số các mẹ bầu trong trường hợp âm đạo mở không đủ rộng và việc sinh thường gặp khó khăn.
Bạn thường lo lắng, không biết mình có “xui xẻo” nằm trong trường hợp rạch tầng sinh môn hay không, cảm giác khi bị rạch chắc chắn sẽ rất đau, làm sao chăm sóc vết thương sau sinh, quan hệ vợ chồng có bị ảnh hưởng bởi việc rạch tầng sinh môn khi sinh thường không. Đó là tất cả những băn khoăn của các mẹ bầu trước ngày sinh.
Khi nào mẹ bầu cần được rạch tầng sinh môn?
Như các mẹ đều biết, cơ thể phụ nữ được “thiết kế” một cách đặc biệt, phù hợp cho với thiên chức sinh con và làm mẹ. Khi sinh con, âm đạo của phụ nữ thường tự động mở rộng các cơ ở giữa, tạo nên một khoảng trống rộng khoảng 10 cm để em bé có thể chào đời. Tuy nhiên, mọi việc không phải lúc nào cũng đơn giản, và không phải lúc nào em bé cũng có thể ra ngoài như lý thuyết.
Nếu mẹ bầu thuộc vào những trường hợp sau đây thì chắc chắn sẽ cần đến biện pháp rạch tầng sinh môn.
– Mẹ bầu nằm trên độ tuổi 35, bị mắc các bệnh về tim và cao huyết áp. Để giảm áp lực lên tim, các bác sĩ cần áp dụng biện pháp rạch tầng sinh môn để rút ngắn thời gian sinh con và hạn chế các mối nguy hiểm có thể xảy ra đối với sức khỏe của mẹ.
– Cổ tử cung đã mở ra, đầu của em bé đã xuống thấp nhưng thai nhi có dấu hiệu thiếu oxy máu. nhịp tim thất thường.
– Đầu em bé có đầu to, nhưng tử cung của mẹ co thắt không đủ mạnh để đẩy đầu em bé ra ngoài, và bị chặn lại ở đáy chậu.
Các mẹ thường nghĩ rằng rạch tầng sinh môn thường sẽ gây đau đớn rất nhiều, tuy nhiên việc rạch tầng môn thường diễn ra vào giai đoạn mẹ bầu phải chịu cơn đau khủng khiếp của các co thắt tử cung, vì vậy, hầu như các mẹ chẳng thể nhận ra rạch tầng sinh môn xảy ra như thế nào và gây đau đớn ra sao. Bên cạnh đó, thuốc gây tê cục bộ vẫn còn tác dụng nên bạn sẽ không cảm thấy cơn đau một cách rõ rệt Đơn giản là các mẹ sẽ cảm thấy sinh thường rất đau, dù có rạch tầng sinh môn hay không.
Sau khi quá trình sinh con đã hoàn tất, các bác sĩ sẽ tiến hành khâu lại tầng sinh môn bằng chỉ tự tiêu. Sau khoảng 3 – 4 tuần, tầng sinh môn sẽ hồi phục trở lại.
Cách chăm sóc vết thương sau khi rạch tầng sinh môn
Để tránh làm cho vết thương bị nhiễm trùng và mau chóng hồi phục, các mẹ cần chăm sóc vết thương cẩn thận theo những cách sau đây:
- Ngồi trên bồn cầu để vệ sinh vùng kín, thay vì ngồi xổm. Lấy một cốc nước ấm đổ vào giữa hai chân và rửa vùng kín nhẹ nhàng, hoặc bạn có thể dùng vòi hoa sen, nhưng nên chỉnh ở cường độ nhẹ.
- Sau khi đi tiểu, dùng khăn mềm lau nhẹ nhàng âm đạo.
- Mặc đồ lót thông thoáng và sạch sẽ, tốt nhất là dùng chất liệu cotton.
- Ăn thức ăn mát, giàu chất xơ, giúp nhuận trường để tránh táo bón, nhằm để hạn chế tình trạng bạn phải rặn mạnh khi bị táo bón, làm cho vết thương bị rách.
- Tăng cường đi lại nhẹ nhàng, máu lưu thông đều sẽ giúp vết thương giảm sưng nhức và mau hồi phục.