Quá trình mang thai và sinh con kết thúc làm thay đổi cơ thể các bà mẹ một cách đáng kể. Biết được những thay đổi cơ thể mẹ sau sinh và cách chăm sóc sau sinh phù hợp sẽ giúp mẹ trải qua thời kỳ sau sinh một cách tốt nhất.
Chuyện sức khỏe và làm đẹp là mối quan hệ muôn thuở của người phụ nữ. Việc mang thai và sinh con, dù đem lại một thiên thần nhỏ sinh cho gia đình, nhưng được xem là nguyên nhân tác động đáng kể đến nhan sắc và vóc dáng của phụ nữ. Không ít phụ nữ lo lắng về các vấn đề của mình sau khi sinh con, từ vấn đề sản dịch sau sinh, đến làn da và chuyện vợ chồng sau sinh. Tuy nhiên, những thay đổi cơ thể mẹ sau sinh này sẽ nhanh chóng qua đi, các bộ phận sẽ hồi phục dần nếu biết mẹ cách chăm sóc sau sinh cẩn thận.
Sản dịch sau sinh
Đây là tình trạng xảy đến với bạn ngay sau sinh, nhưng cũng sẽ nhanh chóng hết đi sau đó. Sản dịch bao gồm niêm mạc tử cung, một ít máu và các thành phần chất cặn bã khác. Sản dịch được tiết ra có màu đỏ tươi và loãng trong 10 ngày đầu tiên sau sinh. Sau đó, sản dịch thường sẽ đặc hơn, sẫm màu hơn và hết dần trong 6 tuần. Giữ vệ sinh trong giai đoạn tiết sản dịch sẽ giúp tử cung hồi phục nhanh chóng và tránh khỏi tình trạng nhiễm trùng.
Cơ sàn chậu và tất cả các bộ phận ở khu vực này
Cơ sàn chậu và tất cả các bộ phận ở khu vực này như âm đạo, môi âm đạo, nếu từng bị kéo giãn trong thời gian mang thai và sinh con, sẽ dần co lại sau sinh. Tuy nhiên, để quá trình phục hồi này diễn ra nhanh chóng hơn, bạn cần đến các bài tập phục hồi sau sinh.
Nếu bà bầu phải được áp dụng phương pháp rạch tầng sinh môn trong khi sinh thường, quá trình phục hồi có thể tiêu tốn nhiều thời gian hơn và đòi hỏi các bà mẹ cần luyện tập sàn chậu nhiều hơn.
Đọc thêm: Bao giờ bạn bắt đầu có kinh nguyệt sau sinh?
Ngực
Dù bộ phận nào của cơ thể bạn đang thu nhỏ kích thước về lại trạng thái bình thường sau sinh, thì ngực cũng không có bất cứ biến chuyển gì. Ngược lại, đây là còn giai đoạn mà ngực sẽ hoạt động rất nhiều để sản xuất ra sữa cho em bé của bạn.
Tóc
Trong thời gian mang thai, một số bà bầu có thể mắc phải triệu chứng rụng tóc, điều này rất đáng sợ vì tóc có thể rụng rất nhiều. Thời gian phục hồi sau sinh là lúc tóc phát triển và mọc dài trở lại, khi lượng hóc môn đã ổn định, thường thì trong 4 – 9 tháng.
Làn da
Nếu trong thời gian mang thai, da mặt bạn xuất hiện nhiều mảng tối màu và bị nám rõ rệt ở vùng gò má và quanh cằm, những vết nám này sẽ nhạt dần và biến mất. Nếu những vết nám không biến mất trong vòng 1 năm sau khi sinh con, bạn cần đến bác sĩ da liễu để kiểm tra. Đây có thể là dấu hiệu của một căn bệnh da liễu nào đó, hoặc là tình trạng di truyền trong gia đình và không thể chữa khỏi.
Không giống như các vết nám da, các vết rạn da lại không thể biến mất. Dù bạn có áp dụng các phương pháp trị rạn da hay bất cứ loại thuốc nào, vết rạn da vẫn còn nguyên, chỉ là nhạt màu dần hoặc không hiện rõ rệt như lúc mới sinh
Nhiều bà mẹ lại gặp phải trường hợp da xấu đi sau khi sinh con, như nổi nhiều mụn, da sần sùi, khô ráp hơn cả trong thời gian mang thai. Nếu gặp phải tình trạng này, bạn cũng cần đi khám da liễu và chăm sóc da sau sinh cẩn thận.
Cân nặng và giảm mỡ bụng sau sinh
Cân nặng là vấn đề nhiều bà mẹ quan tâm, bởi chẳng người phụ nữ nào muốn thấy mình “tròn trịa” như lúc đang mang thai cả. Ngược lại với mong muốn của bạn, sinh con sẽ không giúp bạn ốm lại một cách nhanh chóng. Cơ thể bạn sẽ cần nhiều thời gian để giảm bớt lượng mỡ, cân nặng được bồi đắp trong 9 tháng. Có thể thời gian để trở lại cân nặng bình thường cũng tương đương với thời gian bạn bồi đắp vào – tức là khoảng 9 tháng.
Việc giảm cân sau sinh cũng không nên tiến hành một cách vội vã và không khoa học, vì lúc này các mẹ vẫn cần duy trì dinh dưỡng để chăm sóc con và cho con bú.