Khi bắt đầu cho bé ăn dặm, mẹ sẽ lúng túng vì không biết nên bắt đầu như thế nào, chọn loại thực phẩm gì. Ngoài tham khảo kinh nghiệm từ những bà mẹ đã từng trải qua giai đoạn này, bạn cũng có thể tìm hiểu thông tin sau đây.
Chọn thực phẩm ăn dặm cho bé, cũng như lưu ý tất cả những kiến thức liên quan là việc rất quan trọng. Việc chuẩn bị kiến thức và tâm lý kỹ lưỡng sẽ giúp cho mẹ tránh được tránh được các nguy cơ có thể gặp phải, đồng thời, đem lại cho con những bữa ăn ngon, bổ dưỡng và an toàn. Sau đây là những thắc mắc cơ bản mà bạn thường gặp khi bắt đầu cho bé ăn dặm.
Thức ăn nào có thể làm bé bị hóc?
Những loại thức ăn có kích thước nhỏ và cứng có thể khiến bé bị hóc cổ, như:
- Các loại hạt như hạt hạnh nhân, hạt điều, quả óc chó… Những loại hạt hoặc quả này đều rất tốt cho sức khỏe, nhưng lại có nguy cơ gây hóc rất cao. Vì vậy, nếu muốn bổ sung các loại hạt này vào thức ăn dặm cho bé, mẹ cần xay nhuyễn thành dạng hỗn hợp sền sệt, hoặc sữa loãng khi pha chung với sữa công thức.
- Cà rốt tươi, táo, lê, dâu… Hình thức này sẽ phù hợp hơn cho giai đoạn bé tự tập ăn vào bắt đầu dùng tay bóc thức ăn, khoảng từ 13 – 18 tháng tuổi. Đối với các bé chưa đầy 1 năm tuổi, mẹ nên nghiền thức ăn thật nhuyễn cho bé.
Những loại thực phẩm không tốt cho bé?
- Tránh gia vị món ăn với quá nhiều muối: Muối không tốt cho thận của trẻ, vì thận của bé chưa hoàn chỉnh chức năng, và chưa thể lọc được quá nhiều các chất cặn bã. Vì vậy, mẹ chỉ nêm nếm món ăn của bé thật nhạt, mùi vị càng nhạt càng tốt.
- Mật ong có chứa vi khuẩn gây ngộ độc ở trẻ em, gây tác động nghiêm trọng đến đường ruột của bé. Mẹ không nên cho bé uống mật ong, hoặc thêm mật ong vào chế độ dinh dưỡng của bé khi bé chưa tròn 1 năm tuổi.
- Tuyệt đối tránh các loại thức ăn nhanh và đồ ăn vặt như khoai tây chiên, thịt nguội, xúc xích, hamburger, bánh ngọt và kẹo.
- Không cho bé ăn các loại hải sản nước mặn như cá kiếm, cá ngừ… vì những loại cá này chứa nhiều thủy ngân.
- Không cho bé ăn trứng chưa được chế biến kỹ như trứng hồng đào, trứng ốp la. Bạn nên chế biến thật kỹ cho đến khi cả phần lòng đỏ và lòng trứng đều được làm chín hoàn toàn.
Bệnh dị ứng thực phẩm có thể di truyền không?
Nếu trong gia đình bạn có người mắc bệnh dị ứng với một loại thực phẩm nào đó, bé cũng có khả năng bị di truyền. Biết trước điều này, bạn nên cẩn thận với những món ăn mà người thân trong gia đình bị dị ứng khi chuẩn bị thức ăn dặm cho bé, cũng như những loại thực phẩm khác.
Khi cho bé tập ăn một loại thực phẩm mới, bạn có thể cho con thử một ít, trước khi thực sự đưa chúng vào thực đơn ăn dặm hằng ngày của bé. Bạn cần chú ý đến các loại thực phẩm như các loại hải sản và cá, sữa bò, trứng, đậu phộng và các loại hạt.
Những chất dinh dưỡng nào quan trọng nhất đối với bé, và chúng có trong các loại thực phẩm nào?
Chất dinh dưỡng nào cũng đều cần thiết cho bé trong những tháng đầu đời, vì vậy, một thực đơn ăn dặm cân bằng là điều kiện ưu tiên mà các mẹ cần đảm bảo khi chuẩn bị ăn dặm cho bé.
Ngoài ra, mẹ cần chú trọng bổ sung chất sắt, kẽm và vitamin B12 cho bé. Chất sắt rất cần thiết cho sự phát triển thần kinh và chức năng não bộ của bé.
Có nên cho bé ăn những loại thực phẩm đóng hộp dành cho trẻ em hay không?
Các loại thực phẩm chế biến sẵn và đóng hộp dành cho trẻ em thường có tính thuận tiện và nhanh chóng, nhưng mùi vị của các loại thức ăn này sẽ không hoàn toàn giống với thực phẩm chế biến tại nhà. Điều này sẽ không đáp ứng được một trong những mục đích của bạn khi cho bé ăn dặm, đó là tập cho bé làm quen với các loại thức ăn trong bữa ăn gia đình. Bên cạnh đó, những loại thực ăn đóng hộp dành cho trẻ em cũng có thể chứa muối hoặc đường, những loai gia vị mà mẹ nên tránh trong thức ăn cho bé ăn dặm.
Để thuận tiện hơn và đảm bảo tính an toàn, mẹ nên nấu sẵn, và dự trữ trong tủ lạnh. Khi đến giờ ăn của bé, chỉ cần lấy ra và giải đông bằng lò vi sóng hoặc lò nướng.