Khi tập cho con ăn dặm, bạn thường dành thời gian tìm hiểu về các kiến thức cho trẻ sơ sinh ăn dặm, bao gồm cách lựa chọn nguyên liệu giàu dinh dưỡng, cách chế biến món ăn. Ấy chính là lúc bạn đối mặt với vô số thông tin, bao gồm cả thông tin chính xác và cả những “truyền thuyết” không thực tế. Sau đây là một số thông tin giúp bạn củng cố kiến thức về dinh dưỡng cho trẻ ăn dặm, “giải ngố” cho những người mới lần đầu làm mẹ.
Cho bé ăn dặm nên bắt đầu từ lúc bé được 4 – 6 tháng tuổi
Đây là sự thật. Hầu hết các chuyên gia về dinh dưỡng cho trẻ em và trẻ sơ sinh đều khuyên rằng trẻ nên bắt đầu ăn dặm trong khoảng 4 – 6 tháng tuổi. Một số tổ chức khác như WHO lại đưa ra thông tin rằng, bé nên bú sữa bị thêm đến tháng thứ 6 mới bắt đầu ăn dặm lần đầu tiên.
Giữa hai luồng thông tin như vậy, mẹ nên chọn thời điểm ăn dặm cho bé là khi nào? Bắt đầu từ tháng thứ 4, thứ 5 hay tháng thứ 6 đều phụ thuộc vào khả năng và bước phát triển của bé. Miễn là lúc đó đầu bé đã cứng cáp hơn, ngồi tựa vào tường hoặc vào lưng ghế, biết ra hiệu bằng cách lắc đầu khi không muốn bú thêm sữa nữa…Một dấu hiệu nữa đó là khi bé bắt đầu tỏ ra hứng thú với thức ăn, đòi mẹ cho ăn khi nhìn thấy người lớn đang ăn thức ăn, đó là lúc bé có thể thử thức ăn dặm.
Có thể bạn quan tâm: Thực phẩm cản trở chiều cao của trẻ
Cho bé ăn dặm trước khi thôi nôi là để bé làm quen và tăng sự thích thú đối với bữa ăn hằng ngày
Thông tin này có thể đúng nhưng chưa đủ. Việc cho con bắt đầu ăn dặm đem lại nhiều lợi ích dinh dưỡng hơn bạn nghĩ rất nhiều. Thức ăn dặm cung cấp thêm sắt và kẽm, hỗ trợ sự phát triển của bé.
Tập cho bé ăn dặm với muỗng cũng giúp bé phát triển cơ thần kinh ở miệng, giúp bé làm quen với các hoạt động như mở miệng, nghiền và nuốt thức ăn.
Thức ăn dặm của bé nên là ngũ cốc
Vì ngũ cốc mềm và ở dạng bột, tương tự với sữa công thức nên nhiều mẹ nhầm tưởng rằng bé chỉ nên ăn dặm với ngũ cốc. Tuy nhiên, có nhiều thứ mẹ có thể chuẩn bị cho bữa ăn dặm của bé hơn là chỉ các món ngũ cốc. Trẻ sơ sinh chỉ có thể ăn được các món nghiền, và mẹ có thể thoải mái chế biến và phối hợp nguyên liệu để tạo nên một món nghiền thật bổ dưỡng. Kết hợp các nguồn nguyên liệu chứa protein, thêm chút chất xơ, vitamin từ rau củ và thêm tinh bột từ gạo hoặc yến mạch…
Cho bé thử ăn các món nghiền từ trái cây cũng là một lựa chọn thú vị để đa dạng bữa ăn của bé. Một số loại thực phẩm có tính hàn, và một số khác lại có tính nhiệt, vì vậy, việc đi ngoài của bé sẽ bị ảnh hưởng, bé có thể bị táo bón hoặc tiêu chảy khi bắt đầu ăn dặm. Dựa vào tình trạng đi ngoài của bé, mẹ có thể chọn được loại thực phẩm phù hợp.
Thịt là loại thức ăn dặm rất tốt cho bé
Thông tin này hoàn toàn đúng. Chất sắt và kẽm là hai loại khoáng chất vô cùng quan trọng đối với trẻ sơ sinh. Hầu hết các bé sơ sinh được sinh ra đều có một lượng sắt dự trữ trong cơ thể, mà lượng dự trữ này có thể được cơ thể sử dụng dần trong khoảng 4 – 6 tháng. Sữa mẹ có thể cung cấp thêm chất sắt cho bé, nhưng hàm lượng không nhiều. Vì vậy, thực phẩm bổ sung thêm chất sắt là một phần không thể thiếu trong dinh dưỡng cho trẻ ăn dặm, mà nguồn cung cấp chất sắt tốt nhất không đâu khác ngoài thịt, đặc biệt là các loại thịt đỏ.
Cũng như chất sắt, kẽm cũng đóng vai trò hình thành nên máu và protein trong cơ thể. Sau 6 tháng, sữa mẹ không thể cung cấp đủ kẽm đúng theo nhu cầu phát triển của trẻ, vì vậy mà bé cần được bổ sung thêm từ nguồn khác ngoài thức ăn dặm.
Cho bé ăn dặm trước khi đi ngủ sẽ giúp bé ngủ ngon và lâu hơn
Chưa có thông tin hoặc bài nghiên cứu nào cho thấy cho bé ăn dặm trước giờ đi ngủ giúp bé ngủ ngon và lâu hơn cả. Sự thật là, thời điểm thích hợp nhất để bé ăn dặm là vào buổi sáng, trước hoặc sau khi bé bú sữa mẹ (hoặc sữa công thức) 1 tiếng đồng hồ. Đó là thời điểm bé cảm thấy đói, hoặc có biểu hiện muốn ăn. Cho bé ăn dặm vào thời gian trong ngày sẽ giúp bạn theo dõi liệu bé có bị dị ứng với thực phẩm hay không.
Không nên cho trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi ăn sữa chua
Nhiều người nói rằng không nên cho trẻ sơ sinh ăn sữa chua vì sữa chua không giàu dinh dưỡng như sữa mẹ và sữa công thức, đồng thời, sữa chua cũng gây khó tiêu hóa đối với dạ dày chưa phát triển toàn diện của bé. Thêm vào đó, nếu bé ăn sữa chua hay các loại sữa nguyên kem này, bé sẽ đầy bụng và không còn chỗ dành cho các món ăn giàu dinh dưỡng nữa.
Sự thật sữa chua thường hỗ trợ tiêu hóa và dễ tiêu hơn cả sữa công thức nhờ men tiêu hóa có trong sữa chua. Bé cũng không thể ăn quá nhiều sữa chua đến mức no nê và không thể ăn các loại thực phẩm khác, chỉ cần một ít sữa chua để thay đổi khẩu vị của bé là đủ. Nếu bé không bị dị ứng với protein từ sữa bò, bạn có thể cho con dùng thêm sữa chua cho bữa ăn phụ. Ghi nhớ chọn sữa chua Hy Lạp hoặc sữa chua nguyên kem, không nên sữa chua thông thường chứa nhiều đường.