Thời tiết nắng nóng là giai đoạn trẻ dễ mắc phải các bệnh da liễu, đặc biệt là nổi rôm sảy. Các vết mẩn đỏ gây ngứa và khó chịu cho làn da của bé, khiến bé không thể ngủ ngon giấc. Một số thông tin sau đây sẽ giúp bạn điều trị và phòng ngừa bệnh rôm sảy ở trẻ sơ sinh trong những ngày nắng nóng.
Rôm sảy do thời tiết nắng nóng
Rôm sảy là sự xuất hiện của các nốt đỏ hoặc các vết phồng giộp trên da khi nhiệt độ lên cao, hoặc da trẻ trở nên quá nóng, dưới tác động của thời tiết. Các bé ở các độ khác nhau đều có nguy cơ mắc phải bệnh ngoài da này, nhưng phổ biến nhất đối với các bé ở độ tuổi sơ sinh.
Các vết rôm sảy hoặc nổi mẩn ngứa thường xuất hiện ở những vùng da gấp hoặc ở các khu vực da mà bé mặc quần áo quá bít bùng, chật chội như cổ, mông, đáy chậu, ngực…Nếu bạn cho bé đội nón quá lâu ,không để đầu bé thông thoáng, vết mẩn ngứa, rôm sảy có thể nổi trên trán hoặc da dầu.
Nguyên nhân gây ra rôm sảy ở trẻ sơ sinh
Trong thời tiết nắng nóng, da bé tiết mồ hôi để làm dịu làn da. Nếu bé toát quá nhiều mồ hôi, trong một vài trường hợp, lỗ chân lông bị bít kín và tắc nghẽn, mồ hôi không thể thoát ra bên ngoài được, ứ đọng ở lỗ chân lông gây sưng tấy và nổi mẩn đỏ. Các bé càng nhỏ tuổi càng có nguy cơ mắc chứng dị ứng này cao hơn vì lỗ chân lông của bé nhỏ hơn của người lớn, dễ bị tắc nghẽn hơn.
Bệnh dị ứng da do thời tiết này không quá nguy hiểm và thường sẽ tự biến mất. Nhưng đó là một dấu hiệu cho thấy cơ thể bé đang quá nóng và ba mẹ cần có những cách chăm sóc trẻ phù hợp, vì cơ thể quá nóng sẽ dễ dẫn đến kiệt sức, uể oải.
Rôm sảy ở trẻ sơ sinh gây ngứa, không gây đau nhức, trừ khi bé dùng tay gãi nhiều, làm trầy xước da.
Điều trị mẩn ngứa, rôm sảy do thời tiết nắng nóng ở trẻ
Cách điều trị các vết rôm sảy ở trẻ sơ sinh là làm dịu cơ thể bé, không mặc quần áo quá dày và giữ bé trong phòng mát mẻ, thông gió.
Khi bé ra nhiều mồ hôi, bạn có thể đặt bé nằm trên một chiếc khăn bằng cotton để giúp thấm hút mồ hôi. Dùng khăn ướt hoặc đã để lạnh chườm vào các vùng da bị nổi mẩn đỏ. Ngoài ra, bạn có thể pha một thau nước ấm với baking soda pha loãng (1 muỗng cà phê baking soda với 2 lít nước), dùng khăn cotton thấm nước này và lau người bé. Để da bé tự khô sau khi được lau sạch với nước ấm hoặc nước baking soda.
Bạn không nên bôi thuốc mỡ hoặc bất cứ loại kem gì lên vết mẩn ngứa vì những sản phẩm này có thể khiến da bé bí bách hơn.
Sử dụng máy quạt hoặc điều hòa để làm mát phòng ngủ của bé, tuy nhiên, bạn không nên để gió trực tiếp hướng vào người bé.
Mẹ cũng chú ý kiểm tra móng tay bé thường xuyên để tránh việc bé dùng móng tay làm trầy vùng da bị mẩn ngứa.
Cách phòng ngừa chứng mẩn ngứa ở trẻ em
Để ngăn chặn chứng rôm sảy trong mùa nắng, đặc biệt là khi thời tiết ấm, độ ẩm cao, bạn cần giữ cho làn da bé thông thoáng bằng cách cho bé mặc các bộ quần áo bằng vải thun nhẹ, rộng rãi.Các loại vải cotton có tính thấm hút mồ hôi tốt và không gây bức bí làn da bé. Mẹ cũng cần tránh các loại vải tổng hợp, các loại tã chứa nhiều ni lông.
Ngay cả ba mẹ và người lớn, khi bế bé cũng cần mặc các loại quần áo với chất liệu từ vải cotton, hay các loại vải lanh mỏng và mềm, tránh các chất liệu thô ráp có thể gây trầy xước da bé.
Trong những ngày nắng nóng, hãy giữ mát cho bé bằng các hoạt động trong nhà hoặc dưới bóng râm, nơi có gió thoáng mát. Đồng thời, hãy cho bé uống nước hoặc bú sữa mẹ đầy đủ để tránh tình trạng mất nước.
Nếu tình trạng Rôm sảy, mẩn ngứa của bé trở nên trầm trọng, mẹ nên đưa bé đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế để kiểm tra và khám sức khỏe, đặc biệt là khi bé các vết ban đỏ không giảm đi mà còn gây nên các cơn sốt.