Hầu hết phụ nữ mang thai đều phải qua giai đoạn thai nghén vô cùng cực khổ và khó chịu. Ốm nghén có thể gây ám ảnh đến mức, câu chuyện phổ biến mà các mẹ bầu hay nói với nhau, hoặc câu hỏi những người thân vẫn hay hỏi các mẹ bầu đều xoay quanh vấn đề ốm nghén, cách trị nghén khi mang thai, ăn gì để không bị ốm nghén… Tuy nhiên, hoàn toàn trái ngược với những suy nghĩ tiêu cực của chúng ta về ốm nghén, có rất nhiều dấu hiệu lạc quan từ việc ốm nghén mà các mẹ cần biết.
Ốm nghén xảy ra vào giai đoạn nào của thai kỳ?
Ốm nghén xảy ra với phụ nữ trong tam cá nguyệt đầu tiên, thường là từ tuần thai thứ 6. Đây cũng là dấu hiệu để các mẹ bầu nhận ra mình đã mang thai, nếu không chú ý đến chu kỳ kinh nguyệt.
Mặc dù, đối với nhiều mẹ bầu, ốm nghén thường hết đi sau tuần thai thứ 12 nhưng vẫn có nhiều người phải đối mặt với ốm nghén trong suốt thai kỳ. Điều này thường gây khó chịu và vất vả cho nhiều mẹ bầu trong việc ăn uống và sinh hoạt, tuy nhiên theo nhiều nghiên cứu, ốm nghén khi mang thai thường dự báo một kỳ mang thai khỏe mạnh, tỷ lệ sẩy thai thấp. Bên cạnh đó, thai nghén còn giúp bạn tránh được các loại thức ăn nhiễm độc hoặc chứa vi khuẩn có thể gây hại cho cơ thể bạn.
Ốm nghén thường xảy ra vào buổi sáng sớm với cường độ cao và giảm dần trong ngày, nhưng vẫn có nhiều mẹ bầu phải trải qua các cơn ốm nghén nghiêm trọng vào một vài thời điểm trong ngày nếu tiếp xúc với các tác nhân gây nghén.
Nguyên nhân gây nghén khi mang thai?
Nhiều chuyên gia đều nhất trí rằng ốm nghén là do rất nhiều tác nhân ảnh hưởng, đặc biệt việc thay đổi hóc môn là nguyên nhân chủ yếu.
Nồng độ estrogen: nhiều chuyên gia nghiên cứu cho rằng ốm nghén xuất hiện một phần do mức độ lưu thông của hóc môn estrogen tăng cao. Ở phụ nữ mang thai, nồng độ estrogen tăng lên cao hơn phụ nữ bình thường 100 lần.
Nồng độ progesterone: phụ nữ mang thai đều có nồng độ hóc môn progesterone rất cao. Nồng độ hóc môn này giúp làm giãn cơ tử cung để ngăn chặn hiện tượng sinh non. Tuy nhiên, nó cũng làm giãn cả dạ dày và ruột, dẫn đến axit dạ dày quá nhiều và có thể gây nên bệnh trào ngược thực quản.
Hạ đường huyết: hạ đường huyết bị gây ra bởi việc trao đổi chất với em bé qua nhau thai. Điều này khiến mẹ bầu luôn cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng và rất mau đói.
Nồng độ hóc môn hCG: đây là hóc môn được sản xuất trong thời kỳ mang thai, được tạo nên từ sự phát triển của phôi thai ngay sau khi thụ thai và sau đó là từ nhau thai. Hóc môn này được tiết ra nhằm ngăn chặn sự phân hủy của thể vàng của buồng trứng, vì vậy duy trì được sự sản xuất hóc môn progesterone. Một vài chuyên gia cho rằng hóc môn hCG được xem là nguyên nhân dẫn đến ốm nghén.
Nhạy cảm với mùi hương: trong thời kỳ mang thai, cơ thể bạn sẽ tăng cường độ nhạy cảm đối với mùi hương, những mùi hương quá nồng có thể khiến bạn dễ mắc phải những cơn ốm nghén kéo dài liên tục.
Gia tăng mức độ thích nghi: một vài chuyên gia cho rằng ốm nghén là sự gia tăng khả năng thích nghi với điều kiện mới của cả mẹ bầu và thai nhi – mẹ bầu đang mang trong mình một cá thể mới, rất dễ tổn thương. Sự gia tăng khả năng thích nghi nhằm bảo vệ thai nhi tránh khỏi ngộ độc thức ăn,tức là tránh được chất độc từ những món ăn có nhiều hóa chất hoặc không hợp vệ sinh do mẹ ăn vào. Nếu bạn đang mang thai bị ốm nghén, không cảm thấy thèm ăn những món ẩn chứa chất độc, như trứng, các loại thị heo, bò, gà, vịt… mà thay vào đó, yêu thích các món ít nguy cơ nhiễm độc như gạo, bánh mì và bánh quy, thì cơ hội phát triển tốt của thai nhi được cải thiện rõ rệt.
Cơ thể người trưởng thành có khả năng phòng vệ trước các chất độc hại từ thực vật nhờ nhiều loại enzim giải độc được tiết ra từ gan và trên bề mặt mô các cơ quan khác. Đối với thai nhi, hệ thống phòng vệ này chưa hoàn toàn phát triển, nên một lượng nhỏ chất độc cũng có thể gây hại cho em bé.
Trong thời kỳ mang thai, hệ miễn dịch của mẹ bầu cũng bị tạm thời yếu đi (thậm chí không hoạt động tốt như lúc không mang thai), để cơ thể mẹ có thể tiếp nhận thai nhi trong bụng. Cơ chế gia tăng khả năng thích nghi này còn giúp cơ thể mẹ bầu tránh các chất độc hại.
Ốm nghén là một cơ chế “tự vệ” của cơ thể mẹ nhằm tránh những chất độc được nạp vào cơ thể, vì vậy, uống thuốc chống ốm nghén là việc không nên làm vì nó phá vỡ cơ chế tự nhiên của cơ thể người mẹ và gây nguy hại đến thai nhi.
Triệu chứng ốm nghén?
Ốm nghén xuất hiện với tình trạng buồn nôn và ói mửa, hoặc chỉ gây buồn nôn đối với một số phụ nữ. Các triệu chứng này chủ yếu xuất hiện trong tam cá nguyệt đầu tiên.
Bên cạnh buồn nôn và ói mửa, mẹ bầu có thể gặp phải những triệu chứng nghiêm trọng hơn. Nếu thấy mình mắc phải những triệu chứng ấy, bạn cần phải đến bác sĩ hoặc ngay trung tâm y tế. Các triệu chứng nghiêm trọng bao gồm
– Bạn chỉ đi ra một ít nước tiểu mỗi lần đi ngoài
– Nước tiểu màu nâu
– Bạn cảm thấy chóng mặt hoặc choáng váng khi đứng dậy
– Tim đập nhanh
– Ói ra máu