Con bạn đã hơn 3 ngày không đi ngoài hoặc bé đi ngoài rất khó khăn vì phân khô và cứng. Đó là dấu hiệu cho thấy trẻ mắc bệnh táo bón. Nhìn thấy bé đau đớn, biếng ăn và hay quấy khóc không khỏi làm cho các mẹ lo lắng và sốt ruột.
Với triệu chứng như vậy, bạn biết rằng hệ tiêu hóa của bé không phù hợp với một số loại thức ăn hoặc chế độ ăn uống hiện tại. Hãy tìm hiểu các nguyên nhân khiến trẻ mắc bệnh táo bón và cách chữa trị sau đây để con trẻ không còn vướng phải căn bệnh khó chịu này nữa.
Nguyên nhân gây táo bón
Một trong những nguyên nhân chính gây táo bón ở trẻ thường là do bạn bắt đầu cho trẻ ăn dặm. Dạ dày nhỏ của bé đã quen hoạt động và hấp thu với các thành phần dinh dưỡng dễ tiêu hóa trong sữa mẹ, vì vậy khi được bổ sung thêm thức ăn dặm, các bé có xu hướng mắc chứng táo bón.
- Khẩu phần ăn chứa ít chất xơ và nhiều chế phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai, sữa)
- Các loại thức ăn như chuối, ngũ cốc, bánh mì, cà rốt và khoai tây có thể gây táo bón
- Trẻ bắt đầu bú sữa ngoài. Trẻ chỉ bú sữa mẹ hiếm khi mắc phải chứng táo bón. Sữa mẹ chứa lượng chất béo và đạm cân bằng, vì vậy phân của bé chỉ bú sữa mẹ luôn mềm. Nếu bé chuyển sang bú sữa ngoài, thành phần đạm trong sữa ngoài có thể khiến bé bị táo bón.
- Nếu cơ thể bé thiếu nước, các cơ quan sẽ phản ứng lại bằng cách rút thêm nước từ thức ăn, nước uống mà bé ăn vào, thậm chí là từ phân của bé. Điều này dẫn đến việc phân bị khô, cứng và không thể đẩy ra ngoài được.
- Bé còn có thể bị táo bón do mắc bệnh về suy giảm tuyến giáp, ngộ độc và dị ứng đối với một số loại thức ăn và rối loạn trao đổi chất.
Cách điều trị bệnh táo bón
Đối với trẻ sơ sinh dưới 4 tháng tuổi
- Mát-xa bụng: nhẹ nhàng mát-xa và xoa bụng của bé theo chiều kim đồng hồ. Đặt bàn tay lên rốn của bé và mát-xa theo vòng tròn xung quanh rốn. Sau đó, đặt đầu ngón tay của vào vùng bụng dưới (cách rốn một khoảng bằng chiều rộng của 3 ngón tay), ở bên trái, ấn vào cho đến khi bạn cảm nhận được khối lớn và cứng. Giữ liên tục trong khoảng 3 phút.
- Đạp xe: Đặt bé nằm ngay ngắn và nhẹ nhàng nắm chân bé gập cong ở đầu gối. Bắt đầu di chuyển hai chân của bé giống như bé đang đạp xe. Thực hiện mát-xa bụng và đạp xe xen kẽ nhau nhiều lần để có hiệu quả tốt nhất.
- Động tác đạp xe này, ngoài chữa bệnh táo bón, còn giúp bé “xì hơi”, trị được bệnh đầy hơi.
- Tắm nước nóng: Một vài chuyên gia y khoa khuyên rằng tắm nước ấm giúp bé thư giãn và dễ đi ngoài hơn. Trong lúc bạn lau khô người cho bé sau khi tắm, bạn nên kết hợp mát-xa bụng cho bé.
- Khi bé ở độ tuổi này, bạn có thể cho bé uống một ít nước ép trái cây (từ 20 – 30 ml/ngày) để bé đi ngoài dễ dàng hơn.
Đối với trẻ ăn dặm – từ 4 đến 12 tháng tuổi
- Thực hiện các động tác giống như trẻ dưới 4 tháng tuổi
- Cho trẻ uống thêm các loại nước ép trái cây pha loãng từ trái nho, lê hoặc mơ, trung bình từ 60 ml/ngày. Nếu trẻ từ 8 tháng tuổi trở lên, bạn có thể tăng lượng nước ép trái cây đến 150 ml/ngày
- Bổ sung nhiều chất xơ vào khẩu phần ăn dặm như cải bó xôi, bắp cải và hầu hết các loại rau, các loại đậu, đào, táo, nho…
- Để có hiệu quả tốt nhất, bạn nên thực hiện thao tác mát-xa bụng cho bé trước khi cho bé ăn thêm các món chứa nhiều chất xơ.
- Tránh các loại thực phẩm có thể khiến bệnh táo bón nghiêm trọng hơn như ngũ cốc, chuối, sốt táo (applesauce) và bánh mì nướng.