Biếng ăn ở trẻ ở độ tuổi đang chập chững là tình trạng khiến nhiều ông bố bà mẹ lo lắng, đau đầu và ảnh hưởng xấu đến không khí bữa ăn của gia đình. “Cái này cứng quá!”, “Cay quá!” hoặc “Gà dính vào cháo rồi!” – Đó là những câu chống chế của trẻ mà bạn vẫn thường nghe thấy. Đối với trẻ từ 2 – 3 tuổi, sự phát triển của bé không diễn ra nhanh như giai đoạn 1 tuổi, do đó nhu cầu về ăn uống sẽ giảm dần. Bên cạnh đó, các hoạt động như tập đi, tập chạy, chơi đồ chơi, xem hoạt hình… sẽ phần nào khiến bé xao nhãng trong việc ăn uống.
Để chắc chắn giải quyết được tình trạng này, bạn cần lưu ý những điều sau đây:
Cho bé cùng chuẩn bị bữa ăn
Bạn nên tạo cho bé niềm vui và sự yêu thích dành cho ẩm thực bằng cách để bé cùng bạn vào bếp. Điều này vừa nghe có vẻ nguy hiểm khi chúng ta để trẻ có cơ hội tiếp cận với các trang thiết bị và dụng cụ bếp. Tuy nhiên, hãy suy nghĩ thật đơn giản. Bạn có thể cùng trẻ nhặt rau, nhặt đậu que hay rửa các loại rau củ và trái cây. Cách này giúp bé làm quen với nhiều loại thực phẩm và cảm thấy tò mò về hương vị của chúng. Đồng thời, bé sẽ hào hứng thưởng thức những món ăn mà bé đã cùng bạn chuẩn bị.
Hãy là một tấm gương tốt
Nếu bạn biểu hiện tiêu cực (thông qua nét mặt hoặc ngôn ngữ cơ thể) đối với một món ăn mà bạn không thích trước mặt trẻ, trẻ có khuynh hướng bắt chước bạn làm những việc này, đồng thời, khiến bé ngại thử những món ăn mà mình chưa từng ăn trước đây. Vì vậy, hãy là một tấm gương tốt cho trẻ.
Cho bé làm quen một loại thực phẩm mới, xen kẽ với những món bé thích
Đối với trẻ biếng ăn hoặc kén ăn, bạn sẽ cảm thấy rất khó để tập cho bé làm quen với một món mới, đặc biệt là các bé nhạy cảm với mùi và vị của thức ăn. Bữa ăn có thể khiến bé thích thú nên bao gồm các loại thức ăn mà bé yêu thích với một loại thực phẩm mới để bé tập làm quen. Đừng chuẩn bị một bữa ăn toàn những loại thực phẩm mới, điều này có thể là lý do để bé bỏ bữa hoàn toàn.
Bé cần làm quen với thực phẩm mới từ 10 – 15 lần trước khi thực sự ăn chúng, vì vậy bạn nên đặt món mới bên cạnh những món bé thích, khuyến khích bé chạm vào hoặc nếm thử.
Để bé tự ăn bất cứ khi nào bé muốn
Nếu bé muốn tự mình ăn, bạn có thể để bé cầm muỗng tự ăn với sự hướng dẫn của bạn, như một cách tạo cho bé cảm giác kiểm soát bữa ăn của mình. Hoặc bạn nên chuẩn bị sẵn các món mà bé có thể tự dùng tay để ăn như các loại trái cây, bánh sandwich, bánh kếp… và đặt ở nơi vừa tầm với của bé. Bé sẽ tự mình ăn khi bé thực sự đói.
Thu hút sự chú ý của trẻ vào món ăn
Ở độ tuổi tập đi, các bé dần trở nên tinh nghịch và hiếu động. Âm thanh từ phim hoạt hình, giọng nói của người lớn thường khiến bé xao nhãng, không tập trung vào bữa ăn. Thậm chí anh hoặc chị của bé chạy vòng quanh đùa giỡn cũng làm bé không muốn tiếp tục bữa ăn mà hòa vào chơi cùng anh, chị. Vì vậy, bạn cần tạo không gian yên tĩnh để bé chú ý đến các món ăn .
Những việc nên tránh đối với trẻ biếng ăn
- Đừng ép buộc hay la rầy nếu trẻ không chịu ăn uống đầy đủ. Mặc dù hành động này xuất phát từ tình thương và sự lo lắng cho con, nó chỉ khiến cho tình trạng biếng ăn tệ hơn. Trẻ sẽ không tự mình ăn hoặc nhận thức được mình muốn ăn nhiều hay ít mà chỉ phụ thuộc vào việc bạn bắt bé ăn đến mức nào. Điều đó cũng tạo thói quen ăn uống không tốt ở trẻ sau này. Để tạo cho bé thói quen tốt, việc bạn cần làm là mang cho bé những món ăn thật bổ dưỡng và không khí bữa ăn thật thoải mái.
- Chúng ta thường thỏa thuận với trẻ sẽ cho trẻ một món mà trẻ đòi hỏi nếu chúng chịu ăn hết bữa ăn chính. Nếu điều này kéo dài một thời gian, trẻ sẽ quen dần với việc ăn (hoặc làm điều gì đó) để được nhận thưởng. Nếu bạn không hứa thưởng cho bé, bé sẽ không ăn hoặc không vâng lời bạn.