Sự thay đổi hóc môn khi mang thai được biết là nguyên nhân gây nên bệnh tiểu đường ở bà bầu. Tuy nhiên, khoai tây có thể là nguyên nhân dẫn đến biến chứng khi mang thai này, theo một nghiên cứu mới công bố.
Một số bà bầu bỗng dưng mắc bệnh tiểu đường trong thai kỳ từ tháng thứ 4 trở đi. Hiện nay, số lương phụ nữ mang thai mắc bệnh tiểu đường trở nên phổ biến hơn. Theo giải thích của các bác sĩ, loại hóc môn do nhau thai tiết ra làm hạn chế lượng insulin được tiết ra, khiến cho đường huyết không được kiểm soát và sử dụng một cách hợp lý.
Khoai tây hầu như xuất hiện trong rất nhiều bữa ăn của gia đình, vì đó là món ăn dễ chế biến và cung cấp nhiều năng lượng. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đã cho biết, khoai tây có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường thai kỳ nếu phụ nữ ăn quá nhiều khoai tây trước khi mang thai. Triệu chứng của bệnh này là người bệnh thường xuyên đi tiểu và môi khô khốc.
Một nghiên cứu gần đây đã thực hiện khảo sát để tìm hiểu mối liên kết giữa việc ăn nhiều khoai tây và bệnh tiểu đường thai kỳ. Cuộc khảo sát được thực hiện kéo dài hơn 10 năm và trên ít nhất 21,693 trường hợp mang thai đơn ngẫu nhiên. Trong số những phụ nữ mang thai này, có 854 người mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, chiếm 4% tổng số trường hợp khảo sát.
Trong bảng khảo sát này, người bệnh được hỏi các câu hỏi đa dạng liên quan đến độ tuổi, gia đình và tiền sử bệnh tiểu đường. Kết quả từ bảng khảo sát cho thấy, phụ nữ tiêu thụ từ 200 – 400 gam khoai tây mỗi tuần sẽ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn những phụ nữ bình thường 27%.
Mặc dù chứa nhiều vitamin C, kali, chất xơ và các chất dinh dưỡng khác, khoai tây lại là nguồn cung cấp chất đường bột rất dồi dào, khiến cho lượng đường huyết tăng cao và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng chứa nhiều rau xanh, các loại đậu và các loại thực phẩm nguyên cám có thể làm giảm nguy cơ mắc phải căn bệnh nguy hiểm này.
Chế độ dinh dưỡng khi mang thai giúp hạn chế nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ
Mặc dù các bác sĩ cũng như các chuyên viên y tế không thể khẳng định chắc chắn trường hợp mang thai nào dễ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, nguy cơ mắc biến chứng này sẽ gia tăng đối với những phụ nữ nằm trong một trong những trường hợp sau:
- Phụ nữ bị thừa cân
- Người có người thân mắc bệnh tiểu đường
- Phụ nữ mang thai từ 25 tuổi trở lên
- Mắc biến chứng tiểu đường trong kỳ mang thai trước
- Từng sinh con quá nặng cân (khoảng 4 kg), hoặc từng gặp phải tình trạng thai chết lưu
Để hạn chế nguy cơ mắc phải tình trạng này, bạn cần có một chế độ dinh dưỡng phù hợp để giữ cho đường huyết nằm trong mức an toàn.
– Bổ sung nhiều chất xơ vào bữa ăn hằng ngày, bao gồm rau củ, trái cây tươi, bánh mì làm từ bột nguyên cám, ngũ cốc. Một nghiên cứu cho biết, chế độ dinh dưỡng chứa nhiều hơn 10 gam chất xơ tiêu chuẩn mà một phụ nữ mang thai cần trong một ngày sẽ giúp giảm 26% nguy cơ mắc bệnh. Bên cạnh đó, sữa ong chúa có thể giúp điều hòa lượng đường trong máu. Bạn có thể cân nhắc sử dụng tuy nhiên cần phải hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng.
Ngoài chế độ dinh dưỡng, rèn tập thể dục hằng ngày cũng là một yếu tố quan trọng giúp bạn giữ đường huyết ở mức khỏe mạnh và an toàn. Đi bộ và bơi lội là hai môn thể thao phù hợp cho bà bầu.
Trong một nghiên cứu khác, các nhà nghiên cứu cho biết phụ nữ thường xuyên rèn luyện thể thao trước và suốt thai kỳ – khoảng 4 tiếng mỗi tuần sẽ ít gặp phải nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hơn 70% so với những người không tập luyện.