Bé biếng ăn, bé nhẹ cân luôn là nỗi lo của các ông bố bà mẹ. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến việc bé thường xuyên không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng để phát triển toàn diện, nghiêm trọng hơn là suy dinh dưỡng mãn tính.
Dấu hiệu cho thấy bé biếng ăn
Bé có dấu hiệu biếng ăn khi có những biểu hiện như sau:
- Bé ăn ít hơn bình thường, ngậm thức ăn trong miệng lâu không chịu nuốt, bữa ăn thường kéo dài khoảng hơn 30 phút.
- Số bữa ăn hoặc lượng thức ăn của bé ăn được trong mỗi bữa ít hơn so với các bé cùng độ tuổi.
- Trong bữa cơm bé không chịu ăn một số loại thức ăn như thịt, cá, trứng, sữa hoặc từ chối ăn tất cả các loại thức ăn và tâm trạng không thoải mái.
- Bé thường có biểu hiện quấy nhiễu trong giờ ăn như chạy trốn khi tới bữa ăn, nghe thấy tiếng lanh canh của thìa, bát, hay nhìn thấy thức ăn thì có phản ứng buồn nôn hoặc khóc la bướng bỉnh.
- Bé không tăng cân trong nhiều tháng liên tiếp.
Làm gì để khắc phục tình trạng biếng ăn, nhẹ cân ở trẻ?
Trước tiên, hãy tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, có thể là:
- Do tâm lí
- Chế độ ăn không hợp lí
- Bé đang bị bệnh
- Bé đang uống thuốc
- Biếng ăn bẩm sinh
- Biếng ăn sinh lý
Từ đó, bạn mới có cách khắc phục đúng đắn.
Đối với bé biếng ăn do tâm lí, bố mẹ cần tạo không khí thoải mái, vui vẻ cho bé lúc ăn. Tuyệt đối không ép buộc, la mắng hoặc đánh bé để bé ăn.
Mẹ cần lưu ý cho bé chế độ ăn hợp lí. Tránh kéo dài thời gian cho trẻ ăn thức ăn xay nhuyễn, nên đổi món thường xuyên để các bữa ăn của bé không bị đơn điệu.
Để đề phòng bé bị bệnh và trở nên kén ăn, mẹ hãy thường xuyên bổ sung các vi chất dinh dưỡng, xổ giun định kỳ cho bé mỗi 6 tháng, giữ gìn vệ sinh răng miệng, điều trị bệnh nhiễm trùng.
Bé đang uống thuốc có thể sẽ rất biếng ăn, khi đó, hãy sử dụng các men vi sinh cấy lại vi khuẩn đường ruột hoặc cho trẻ ăn sữa chua.
Biếng ăn sinh lí là hiện tượng ăn ít đi vài ngày, vài tuần mặc dù bé vẫn khỏe mạnh. Mẹ cần kiên nhẫn bé ăn từng bữa nhỏ, thay đổi các món ăn lạ… chờ bé ăn trở lại.
Đối với những bé biếng ăn do bẩm sinh, cha mẹ phải chủ động cho trẻ ăn theo sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ dinh dưỡng.
Thông thường nếu trẻ mắc phải bệnh biếng ăn thì sẽ dẫn đến tình trạng bé nhẹ cân. Một khi trẻ bị bệnh nhẹ cân sẽ dễ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng trầm trọng, nếu không chữa trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ nhỏ sau này. Do đó, mẹ nên theo dõi kỹ tình trạng ăn dặm đến khả năng ăn thô của bé và nên có sự thay đổi thường xuyên giữa các món ăn để bé bị thu hút, không tạo nên cảm giác áp lực hay chán ngán mỗi khi đến giờ ăn.