Giai đoạn thứ hai – Rặn sinh
Giai đoạn thứ hai bắt đầu khi cổ tử cung đã mở hoàn toàn, là giai đoạn quan trọng nhất trong các giai đoạn chuyển dạ – rặn sinh em bé. Vào đầu giai đoạn này, khoảng cách giữa các lần co thắt sẽ cách xa nhau hơn, từ 2 – 5 phút, kéo dài từ 60 – 90 giây, giúp bạn có thêm thời gian nghỉ ngơi cần thiết.
Một khi em bé đã đi xuống gần sát vùng chậu của bạn, bạn sẽ cảm thấy một lực tác động thúc giục bạn phải rặn sinh ngay từ lúc giai đoạn hai bắt đầu. Nếu em bé còn nằm tương đối cao ở phía trên, bạn sẽ không cảm nhận dấu hiệu này. Như vậy, tử cung của bạn cần co thắt thêm nhiều lần nữa để tạo áp lực đẩy em bé đi xuống. Bạn chỉ cần đợi tử cung làm việc thêm một chút nữa cho đến khi bạn cảm nhận cảm giác hối thúc rặn sinh.
Các bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn khi nào bạn nên rặn và khi nào bạn nên nghỉ ngơi để tận dụng sức lực rặn sinh hiệu quả.
Em bé ra đời
Tốc độ di chuyển xuống phía dưới của em bé trong giai đoạn có thể tăng lên, nhưng con đầu lòng thường đi chậm và từ từ. Với những cơn co thắt, lực đẩy từ tử cung kết hợp cùng lực đẩy của cơ bụng khi bạn cố gắng rặn sinh sẽ giúp đẩy em bé đi xuống thông qua ống dẫn sinh. Trong thì nghỉ giữa các cơn co thắt, đầu của em bé sẽ lùi một ít vào trong theo hướng “hai bước tiến, một bước lùi”.
Khi đầu của bé đã đến sát âm đạo và bắt đầu lộ ra, vùng đáy chậu của bạn sẽ cảm thấy rất căng và đau, và còn có cảm giác đau nhức và nóng rang khi các mô bắt đầu giãn ra. Để tránh làm rách vùng đáy chậu của bạn, các nữ hộ sinh sẽ yêu cầu bạn nên rặn nhẹ nhàng hoặc ngừng rặn, như vậy, em bé sẽ từ từ làm giãn âm đạo và vùng đáy chậu.
Đến lúc này, bạn sẽ cảm nhận cơn thúc giục rặn sinh rất mạnh mẽ, bạn cần được hướng dẫn để điều chỉnh hơi thở một cách hợp lý để đối phó với những cơn thúc giục khẩn cấp này.
Khi đầu của bé đã được đẩy ra ngoài và các bộ phận trên khuôn mặt dần xuất hiện đầy đủ, đầu bé sẽ bắt đầu xoay qua một bên vì vai của bé sẽ bắt đầu xoay vào trong xương chậu để khít với vị trí đi ra ngoài. Trong lần co thắt tiếp theo, bạn sẽ được hướng dẫn rặn sinh để đưa phần còn lại của cơ thể đi ra ngoài.
Khi bé đã hoàn toàn ra ngoài, bé cần được giữ ấm và lau khô người. Các nữ hộ sinh cũng sẽ cắt dây rốn của bé ngay lúc này.
Giai đoạn thứ hai kéo dài bao lâu?
Giai đoạn thứ hai có thể kéo dài từ một vài phút cho đến vài giờ. Đối với các bà mẹ đã sinh con rạ, giai đoạn chỉ kéo dài khoảng 20 phút, còn các bà mẹ sinh con so thì cần nhiều thời gian hơn, có thể kéo dài đến 1 tiếng.
Giai đoạn thứ ba – Xổ nhau thai
Sau khi sinh con xong, bạn vẫn chưa thể nghỉ ngơi ngay đâu. Một vài phút sau, tử cung sẽ bắt đầu co thắt trở lại để tách nhau thai ra khỏi tử cung. Sau khi có dấu hiệu của sự tách rời, nữ hộ sinh sẽ yêu cầu bạn rặn để đẩy thau thai ra ngoài. Đây chỉ là một giai đoạn ngắn chỉ từ 5 – 30 phút, và không quá đau hay quá khó.
Các cơn co thắt sẽ không ngừng lại cho đến khi nhau thai được đưa ra ngoài, vì vậy, bạn cần phải tập trung và thở cho đến khi quá trình này kết thúc. Nếu nhau thai không thể hoàn toàn tách khó thành tử cung, bác sĩ hoặc nữ hộ sinh có thể đưa tay vào bên trong tử cung và tách chúng ra.
Sau khi hoàn tất giai đoạn này, bạn sẽ cảm thấy vô cùng kiệt sức như không còn chút năng lượng nào nữa. Nhưng chắc rằng sự nôn nóng và háo hức muốn gặp con ngay lập tức có thể giúp bạn thêm một chút sức lực để ôm con, ngắm nhìn thiên thần bé nhỏ của bạn và tự hào vì bạn vừa là hoàn thành một nhiệm vụ không dễ chút nào.