Mỗi tam cá nguyệt qua đi là một dịp để bạn kiểm tra sức khỏe của bạn và thai nhi. Bạn cần thực hiện một số xét nghiệm máu và nước tiểu xem tình trạng sức khỏe, cũng như khám thai để theo dõi sự phát triển của thai nhi.
Từ việc thăm khám và kiểm tra sữa khỏe, bạn sẽ biết được rằng quá trình chăm sóc và áp dụng chế độ dinh dưỡng của mình trong 3 tháng qua có đem lại kết quả tốt hay không. Từ đây, bạn biết được mình nên điều chỉnh, bổ sung gì trong tháng tiếp theo để thai kỳ của mình khỏe mạnh hơn. Hãy tham khảo chế độ dinh dưỡng cho bà bầu tháng thứ 4 sau đây nhé.
Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu tháng thứ 4
Đã đến lúc bà bầu cần bổ sung chất sắt vào cơ thể, vì loại khoáng chất này là một phần của hemoglobin trong máu, có công dụng vận chuyển ô xi vào các cơ, giúp cơ hoạt động bình thường. Trong thời gian mang thai, cơ thể bạn có khả năng thẩm thấu chất sắt nhiều hơn, vì vậy, bổ sung chất sắt cho cơ thể khi mang thai giúp bạn và em bé được cung cấp đủ ô xi. Chất sắt còn giúp bạn tránh khỏi tình trạng mệt mỏi, khó chịu và trầm cảm.
Bạn cần bổ sung chất sắt trong bữa ăn theo hướng dẫn sau đây:
- Hàm lượng sắt cần thiết cho cơ thể bà bầu mỗi ngày là 27 mg. Ăn ít nhất 3 bữa ăn giàu chất sắt mỗi ngày có thể giúp bạn có đủ 30 mg chất sắt mỗi ngày.
- Lượng chất sắt bổ sung vào cơ thể không tương đương với lượng chất sắt được hấp thu vào máu và cơ thể. Chất sắt từ động vật thường được hấp thụ dễ dàng hơn chất sắt từ thực vật.
Có thể bạn quan tâm: Dinh dưỡng cho bà bầu trong 3 tháng cuối thai kỳ
Các loại thực phẩm giàu chất sắt
- Thịt và hải sản: thịt thăn bò, thịt gà, hến, sò huyết, cua, lòng đỏ trứng, cá, gan động vật, hào, cá ngừ, tôm…
- Các loại rau củ: đậu trắng bi, bông cải xanh, cải xanh, khoai lang, cải bó xôi, bí đỏ và hạt bí đỏ
- Các loại đậu: đậu nành, đậu tây…
- Trái cây: đào, dưa hấu, bưởi, nho, mơ, nho khô, mận…
- Bánh mì và ngũ cốc: mì Ý, cơm, các loại ngũ cốc và hạt nguyên cám…
Những điều bà bầu cần biết về chất sắt:
- Vitamin C có thể giúp cơ thể hấp thụ và sử dụng chất sắt tốt hơn, vì vậy, bổ sung thêm vitamin C vào khẩu phần cũng là một cách để cơ thể bạn sử dụng hiệu quả chất sắt đã được cung cấp từ thực phẩm.
- Ngược lại với vitamin C, caffeine ngăn cản khả năng hấp thu chất sắt. Vì vậy, bà bầu nên ăn thực phẩm chứa chất sắt trước hay sau khi ăn/uống chế phẩm chứa caffeine 3 tiếng.
- Quá trình chế biến thức ăn có thể khiến chất sắt bị hao hụt hoặc mất đi. Để duy trì được lượng chất sắt trong thực phẩm, bạn cần giảm lượng nước trong thực phẩm đến mức tối thiểu và nấu trong thời gian ngắn nhất có thể.
- Nếu bạn dùng thêm viên uống bổ sung chất sắt, bạn có thể mắc phải chứng táo bón. Để điều trị tác dụng phụ này, bạn nên tăng chất xơ trong khẩu phần ăn bằng cách ăn thêm bánh mì nguyên cám, ngũ cốc, trái cây và rau củ… Uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày và tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng có thể giúp bạn tránh được chứng táo bón.
Bà bầu nên ăn gì và không nên ăn gì?
Từ tam cá nguyệt này, mẹ bầu dần để ý thấy “chiếc bụng” trở nên tròn trĩnh và rõ ràng hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn cần phải ăn thật nhiều cho hai người. Điều quan trọng vẫn là đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cả mẹ và bé, không phải chủ yếu vào năng lượng, và đồng thời, tăng cân hợp lý. Mỗi ngày, bạn chỉ cần thêm từ 300 – 400 calories vào chế độ dinh dưỡng là có thể cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể.
Nên:
- Bà bầu nên ăn các loại thực phẩm chứa nhiều Omega-3 như hạnh nhân, thịt bò, trứng, gạo nguyên cám.
- Lựa chọn một vài món salad với vị chua vừa phải cũng là một cách giúp hạn chế chứng ợ nóng khi mang thai.
- Khi ăn hải sản, hãy đảm bảo món hải sản được chế biến kĩ, chín hoàn toàn.
Không nên:
- Từ khi mang thai, các mẹ bầu biết rằng mình phải tạm thời “chia tay” với các đồ hải sản tươi sống như sushi hoặc sashimi.
- Những loại thực phẩm này dù chứa nhiều dinh dưỡng nhưng đồng thời cũng chứa rất nhiều chất độc, nhất là thủy ngân.
- Bà bầu ăn nhiều hải sản bị nhiễm độc thủy ngân sẽ khiến cho thai nhi bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dễ mắc phải các dị tật bẩm sinh và kém phát triển, không đạt được mức cân nặng và chiều dài của thai nhi theo từng tuần phát triển.
- Tránh các món ăn quá mặn, nhiều dầu mỡ và vị quá chua. Những món ăn thanh đạm được nêm nếm hương vị vừa phải là phù hợp nhất với các mẹ bầu. Mẹ cũng cần tránh các món chứa chất béo chuyển hóa vì các chất béo này cực kỳ có tác động không tốt đến sự phát triển của thai nhi.