Trẻ sơ sinh là những cá nhân bé bỏng và rất dễ tổn thương bởi những tác động xấu từ bên ngoài. Vì các cơ quan chưa thực sự hoàn thiện và hệ miễn dịch còn yếu, trẻ rất dễ bị tấn công bởi những yếu tố nhỏ nhất. Bệnh nhiễm trùng tai cũng được gây ra bởi những yếu tố này, thoạt đầu có vẻ đơn giản nhưng đôi khi có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng.
Nhiễm trùng tai ở trẻ sơ sinh nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho trẻ, thậm chí có thể gây khiếm thính vĩnh viễn. Nếu không được điều trị bệnh triệt để, trẻ có nguy cơ sẽ mắc bệnh viêm màng não, viêm tắc tĩnh mạch hoặc tê liệt dây thần kinh số 7.
Vì tính chất nguy hiểm của bệnh, các mẹ cần phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng gây nguy hiểm đến sức khỏe và sự phát triển bình thường của trẻ.
Tại sao bệnh nhiễm trùng tai hay xảy ra đối với trẻ em?
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất dễ mắc phải bệnh nhiễm trùng vì vòi nhĩ nối từ tai giữa tới họng và tai của trẻ thường ngắn, rộng và theo chiều nằm ngang. Khi tai bé bị ẩm, hoặc họng và mũi tiết dịch nhầy, các chất dịch này sẽ dễ dàng tràn lên vòi nhĩ và đọng lại trong tai giữa, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển trong khu vực này. Các loại vi khuẩn cơ hội thường gây bệnh cho trẻ là heamophilus, pneunomiae… Hệ thống niêm mạc đường hô hấp như niêm mạc mũi họng, khí quản…rất nhạy cảm, dễ phản ứng với những kích thích bằng hiện tượng tiết dịch, làm cho dịch ứ đọng nhiều trong tai giữa và gây viêm.
Những dấu hiệu cho thấy trẻ bị nhiễm trùng tai
- Đối với bé đã biết nói, bé chắc chắn sẽ bảo với bạn rằng có vật gì đó đang nằm trong tai của bé. Còn đối với trẻ sơ sinh, trẻ sẽ dùng “ngôn ngữ cơ thể” để mách bạn rằng, tai bé đang bị đau lắm, bằng các biểu hiện như hay trở mình, đầu lắc qua lắc lại, hay nắm tai giật giật
- Trong một số trường hợp nghiêm trọng, nước mủ màu vàng, lỏng hoặc dính chảy ra bên ngoài tai
- Bé bé sốt cao, từ 38.5 đến 40 độ C
- Rối loạn tiêu hóa, ăn không tiêu, đi ngoài phân lỏng
- Bé tỏ ra đau đớn khi nằm ngửa và phải trở mình liên tục, vì chất dịch trong tai đổ về phía màng nhĩ, gây khó chịu và đau nhức.
- Bé vừa bị cảm lạnh, vừa bị đổ ghèn. Thường thì những tháng đầu, mắt bé sẽ đổ ghèn vì tuyến lệ chưa được thông. Nhưng nếu triệu chứng đổ ghèn đi kèm với cảm lạnh, đó có thể là dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng tai, hoặc vùng xoang của bé đang bị viêm.
Khi phát hiện ra các biểu hiện trên, bạn cần phải đưa bé đến bác sĩ để được khám bệnh và điều trị đúng cách. Tùy tình trạng bệnh của mỗi bé mà bác sĩ sẽ có cách điều trị khác nhau, kèm với đơn thuốc cụ thể. Biện pháp chữa trị phổ biến là bác sĩ sẽ chích rạch dẫn lưu hoặc đợi sau khi vỡ mủ, và điều trị bằng thuốc, vệ sinh cẩn thận thì bệnh sẽ khỏi sau 1 – 2 tuần.
Làm thế nào để phòng bệnh nhiễm trùng tai ở trẻ sơ sinh?
Bạn biết cơ chế mà vi trùng xâm nhập vào tai của bé để làm hại, sau đây là một số cách giúp bạn phòng chống căn bệnh này
– Cho con bú bình trong tư thế đứng thẳng và giữ cho con thẳng người ít nhất trong 30 phút sau đó, tránh cho bé nằm bú để ngăn không cho sữa chảy vào tai của bé, tạo môi trường ẩm ướt và gây nhiễm trùng.
– Dạy cho trẻ cách lau mũi sạch sẽ hoặc hỉ mũi nhẹ nhàng.
– Luôn giữ cho mũi, hong sạch sẽ. Nếu bé bị sổ mũi, bạn cần vệ sinh mũi cho bé thật kĩ, đồng thời sử dụng ống bầu dục thông mũi để hết sạch các chất nhầy và dịch trong mũi bé.
– Tránh các món ăn gây dị ứng: Những món ăn gây dị ứng có thể khiến cho mủ đọng lại ở vòi nhĩ và tai giữa.
– Tuyệt đối không hút thuốc gần bé, hoặc để trẻ tránh xa làn khói khi đốt củi. Khói làm cho vòi nhĩ bị sưng lên và bị tắc nghẽn, khiến cho chất lỏng, dịch nhầy bị đọng lại trong tai giữa.
– Tăng cường hệ thống miễn dịch bằng các thức ăn khỏe mạnh như trái cây, rau củ, và hải sản.
– Khi trẻ trưởng thành, vòi nhĩ trở nên dài, hẹp hơn, và nghiêng sâu hơn, khiến cho mủ và vi khuẩn khó có thể tập trung ở tai giữa, hạn chế những tình trạng nhiễm trùng gây khó chịu.