Sự phát triển tâm lý, trí tuệ của bé nếu bất thường, sẽ được thể hiện ở hành vi. Biểu hiện chủ yếu là sự phát triển năng lực kém so với các bạn cùng lứa tuổi. Cha mẹ hằng ngày cần chú ý quan sát, khi bé có những biểu hiện bất thường, nên cho bé đi khám và kiểm tra. Đây là cách đề phòng bệnh trí tuệ bất thường ở trẻ sơ sinh mà các ông bố, bà mẹ nên biết và để ý. Nếu bệnh được phát hiện càng sớm thì cơ hội chữa trị thành công càng lớn, trẻ được phát triển bình thường như các bạn cùng lứa tuổi của mình.
Dấu hiệu bệnh trí tuệ bất thường
- Bé khá yên lặng. Lúc còn nhỏ bé ngoan ngoãn, không khóc, không nghịch ngợm, thời gian ngủ nhiều hơn thời gian bé chơi, hoạt động. Đến khi lớn hơn một chút, bé cũng không có nhiều yêu cầu hay đòi hỏi món đồ chơi nào mà chỉ nằm yên một chỗ.
- Bé có phản ứng chậm hoặc không có phản ứng với những kích thích. Sau 3 tháng tuổi, mắt bé không nhìn vào vật, không bị hấp dẫn bởi các sắc màu của bất kỳ món đồ chơi nào. Bé cũng không hề cười khi thấy mẹ – người gần gũi nhất với bé. Khi lặp đi lặp lại các kích thích bé mới có phản ứng, nhưng biểu hiện cũng không giống với các bé khác, ví dụ khi khóc không có sự thay đổi về âm điệu, giống như là đang hét.
- Cơ bắp yếu, động tác không nhịp nhàng. Khi đầy 3 tháng tuổi, phần cổ bé vẫn rất yếu, không thể tự nhấc đầu lên. Cho đến khi 7 tháng tuổi, bé vẫn chưa biết ngồi, 8 tháng vẫn chưa biết bò, 1 tuổi vẫn chưa biết đứng, khi đi thì 2 chân đan vào nhau…
- Hành động của trẻ tỏ ra non nớt hơn các bạn khác. Bé bình thường 3 tháng tuổi luôn thích nghịch tay mình, nhưng bé có trí tuệ bất thường đến 6 tháng mới chú ý đến tay của mình. Bình thường sau 6 tháng, bé không còn cho tay vào miệng mút nữa, nhưng bé có trí tuệ bất thường vẫn tiếp tục mút tay đến khi 2 tuổi. Bé bình thường được hơn 1 tuổi sẽ không ném đồ đi nữa, nhưng bé trí tuệ thấp vẫn tiếp tục hành động này trong thời gian dài.
- Khả năng của bé rất thấp kém. Sau thời gian khá lâu cho bé ăn dặm mà bé vẫn chưa biết nhai, thường xuyên bị sặc hoặc bị nôn trở; rất ít khi í a học nói, không thể phát âm…
Cách phòng chữa bệnh cho trẻ sơ sinh
Khi trẻ đã có bệnh trí tuệ tâm lý bất thường nếu cha mẹ phát hiện càng sớm thì càng dễ chữa trị và tỷ lệ khỏi bệnh cũng cao hơn. Nếu trẻ mắc bệnh bại não mà phát hiện sớm thì cơ hội chữa khỏi đến 90%. Cách tốt nhất để ngăn ngừa sự bất thường ở tâm hồn, trí tuệ trẻ chính là cho dù trẻ có bình thường hay không, vẫn định kỳ mang trẻ đi kiểm tra và tiến hành trắc nghiệm về sự phát triển trí tuệ và hành vi của trẻ sơ sinh.
Trắc nghiệm sự phát triển của trẻ sơ sinh chủ yếu tiến hành kiểm tra tình trạng phát triển bình thường của trẻ trên 5 phương diện:
- Thích nghi với xã hội
- Vận động lớn
- Động tác tỉ mỉ
- Ngôn ngữ
- Xã giao
Nếu bài trắc nghiệm có kết quả thấp, cần tiến hành kiểm tra tâm lý thần kinh, tìm ra các nguyên nhân sớm và có biện pháp chữa trị kịp thời. Trước khi trẻ sơ sinh được 1 tuổi, cứ 3 tháng bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện lớn để kiểm tra 1 lần, đến khi bé được hơn 1 tuổi thì có thể nửa năm đi khám 1 lần.
Đây là những dạng bệnh thuộc về tâm lý, trí não mà chúng ta khó mà phát hiện trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh, vì những biểu hiện của bệnh biểu hiện rất nhỏ, không đáng kể. Đến khi chúng ta phát hiện ra thì đã quá muộn, do đó ngoài việc chăm cho trẻ sơ sinh từng bữa ăn, giấc ngủ, đề phòng các bệnh thường gặp do yếu tố khách quan như truyền nhiễm, sự thay đổi của thời tiết thì bạn càng nên để ý đến những chi tiết, biểu hiện được nêu trên qua từng ngày để phát hiện được mối nguy hiểm đang kề cận trẻ.