Một trong những dấu ấn để lại sau khi sinh khiến nhiều bà bầu lo lắng là vết rạn da không bao giờ biến mất. Những dấu hiệu sau đây sẽ cho biết bạn có nguy cơ mắc phải tình trạng rạn da khi mang thai hay không.
Rạn da là một tình trạng diễn ra phổ biến đối với các bà bầu, đặc biệt là vào những tháng cuối thai kỳ – khi mà cân nặng cơ thể bắt đầu tăng lên theo sự phát triển của thai nhi. Mức độ rạn da tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người. Một số người bị rạn da ở bụng khi bụng lớn dần lên, với đường nứt mỏng, và có thể nhanh chóng mờ dần sau khi sinh con. Tuy nhiên, một số người khác có thể có những đường rạn sẫm màu và mở rộng không những ở bụng, mà các vị trí khác như đùi, bắp chân…Dù thế nào đi nữa, chăm sóc da trong và sau khi sinh là điều quan trọng mà bạn nên chú ý và chuẩn bị tinh thần. Một số dấu hiệu sau đây sẽ cho bạn biết bạn có nguy cơ mắc chứng rạn da khi mang thai hay không.
Mẹ của bạn cũng gặp phải tình trạng rạn da
Gen di truyền đóng vai trò quan trọng trong hầu hết các vấn đề sức khỏe của con người, việc rạn da cũng không ngoại lệ. Nếu mẹ bạn mắc phải tình trạng rạn da, điều đó có thể là do da thiếu độ đàn hồi tự nhiên. Và tính chất này có thể di truyền qua cho bạn. Trong trường hợp này, dù bạn có thực hiện biện pháp chăm sóc nào thì rạn da cũng xuất hiện trên da.
Bạn mang thai khi còn trẻ
Chuyện lập gia đình và sinh con sớm hay muộn tùy thuộc vào điều kiện của mỗi người. Tuy nhiên, bạn cần nhận thức một điều rằng, mang thai vào những năm đầu của tuổi 20, hoặc sớm hơn có thể khiến cho da bạn xuất hiện những vết rạn da nghiêm trọng. Làn da của những người người trẻ tuổi thường săn chắc và căng, khi bị kéo giãn để nâng đỡ và bao bọc một cơ thể khác, làn da sẽ bị kẽo giãn rất nhiều, và cấu trúc da có thể bị rách dưới áp lực của sự phát triển của cơ thể.
Đối với những người mang thai ở độ tuổi lớn hơn, khi da đã bắt đầu bước vào giai đoạn lão hóa và mất đi tính đàn hồi, da sẽ không phải kéo giãn quá nhiều khi kích thước cơ thể tăng lên.
Nếu bạn đang tăng cân quá nhanh
Những vết rạn da xảy ra khi da bạn không thể theo kịp với sự phát triển của cơ thể bạn. Việc bạn tăng cân quá nhanh ở nửa sau của thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ rạn da. Nguyên nhân có thể khiến bạn tăng cân nhanh ở giai đoạn cuối thai kỳ một phần là do sự phát triển của em bé, nhưng cũng có thể là do chế độ dinh dưỡng chưa hợp. Chế độ dinh dưỡng dành cho 2 người khi mang thai thường bị các mẹ bầu hiểu nhầm, hiểu sai thành ăn gấp đôi dẫn đến tăng cân nhanh chóng.
Bạn từng bị rạn da trong độ tuổi dậy thì
Hóc môn thay đổi có thể góp phần làm cấu trúc bên trong của da mỏng manh và dễ bị xé rách. Nếu bạn từng mắc rạn da ở bụng, ngực, hông và mông ở độ tuổi dậy thì – khi mà các hóc môn sinh dục trong cơ thể thay đổi đáng kể, lịch sử sẽ có thể lặp lại khi bạn mang thai. Nhiều bà mẹ đã từng trải qua việc này, và cách họ đối phó với nó là tự nhắc nhở bản thân mình rằng “Những vết rạn này là bằng chứng của hành trình mang thai đầy khó khăn, và mang một thiên thần xinh đẹp, khỏe mạnh đến với thế giới. Nếu những vết rạn này chỉ là một chút hy sinh nho nhỏ, đổi lại một niềm vui to lớn, có gì quan trọng đâu?”
Những dấu hiệu trên đây giúp bạn sẵn sàng tâm lý và chuẩn bị những biện pháp giúp hạn chế vết rạn da khi mang thai, nếu nó xảy ra. Sự thật là bạn sẽ không bao giờ ngăn chặn hoặc chữa lành các vết rạn, có chăng chỉ là chăm sóc da kỹ lưỡng để chúng mờ dần đi, và chuyển sang tông màu trùng với tông màu da của bạn. Một số cách bạn có thể áp dụng là massage vùng da bụng hằng ngày bằng kem dưỡng ẩm chứa tinh chất kem hoặc dầu. Điều trị bằng phương pháp laser cũng là cách nhiều bà mẹ thực hiện. Nhưng nếu mà những cách này không hiệu quả, bạn vẫn còn một cách khác – mang những vết sẹo này với một thái độ thật tự hào. Ai dám nói thành quả bạn đã tạo không đáng để tự hào nào?