Niềm vui của các ông bố bà mẹ là nhìn thấy con mình khôn lớn qua từng ngày, đặc biệt là trong những năm tháng đầu đời. Không gì đáng yêu bằng hình ảnh bé bắt đầu bú sữa, tập ăn và tự mình cầm muỗng ăn hết phần cơm của mình.
Giai đoạn cho bé ăn dặm là một quá trình quan trọng, góp phần vào quá trình phát triển thể chất và trí thông minh của bé. Vì vậy, bạn cần có rất nhiều nỗ lực, sự kiên nhẫn và kiến thức cần thiết để chăm con tốt nhất.
Khi nào bắt đầu cho bé ăn dặm
Một số mẹ sẽ cảm thấy bối rối vì không biết thời điểm nào thích hợp để bắt đầu cho bé ăn dặm. Theo lời khuyên của các bác sĩ nhi khoa, thời gian tốt nhất để bé thử ăn những loại thực phẩm khác ngoài sữa mẹ là từ 4 – 6 tháng tuổi. Đây là giai đoạn hệ tiêu hóa của trẻ dần hoàn thiện và có khả năng hấp thu thêm các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển.
Bên cạnh đó, chất sắt tự nhiên trong cơ thể bé cũng bắt đầu giảm đi trong thời gian này. Bạn có thể cung cấp thêm cho bé chất sắt bằng cách cho bú sữa ngoài và ăn dặm với bột ngũ cốc và các loại thực phẩm tăng cường chất sắt như thịt, các loại đậu, rau bó xôi.
Dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng ăn dặm
- Bé đã biết ngồi, nhờ sự nâng đỡ của người lớn, và có thể tự ôm đầu và cổ của mình
- Cân nặng của bé tăng gấp đôi cân nặng lúc mới sinh
- Bé có thể giữ thức ăn trong miệng không bị trào ra ngoài
- Bé thích thú với các món ăn, đòi thức ăn từ phần ăn của bạn
- Bé thường xuyên quấy khóc vì đói bụng.
Bắt đầu ăn dặm như thế nào?
Để tập cho bé dần thích nghi với các loại thực phẩm mới, bạn nên cho bé ăn thử từng loại thực phẩm trong mỗi bữa ăn. Lựa chọn tốt nhất để bắt đầu ăn dặm là sử dụng bột ngũ cốc, rau củ và các loại trái cây nghiền nhuyễn. Bạn nên lựa chọn các loại rau củ và trái cây khác nhau như cà rốt, khoai lang, khoai tây, khoai mỡ, đào, chuối, lê, táo…để đa dạng nguồn dinh dưỡng cho bé.
Tập cho bé ăn dặm cũng được xem là một sự kiện quan trọng, khi bạn cho bé tiếp xúc với nhiều loại thức ăn mới thay vì chỉ bú sữa mẹ hoặc các loại sữa ngoài như trước đây. Một yếu tố bạn cần ghi nhớ để có một sự khởi đầu tốt là chọn đúng thời điểm bắt đầu. Trẻ em chỉ thực sự hứng thú với thức ăn chỉ khi chúng đói bụng, vì vậy bạn cần chắc chắn bắt đầu khi bé nhà mình đang rất đói để đạt kết quả tốt nhất.
Nếu bé từ chối các món ăn dặm trong lần đầu tiên, điều này không có nghĩa là bé không yêu thích những chúng, mà chỉ là bé chưa quen với mùi vị của các món lạ khác với hương vị sữa vẫn uống hằng ngày. Bạn nên đợi thêm một vài ngày nữa, khi bé hoàn toàn quên những trải nghiệm đầu tiên, hãy bắt đầu cho bé thử một loại thực phẩm khác.
Đến khi bé đã mọc nhiều răng và nhai tốt hơn, bạn có thể cho bé ăn thêm nhiều loại thực phẩm mới và dùng rây tán nhuyễn các loại củ hoặc cháo, thay vì sử dụng máy nghiền như trước đây. Lưu ý rằng khi bạn cho bé thử một loại thực phẩm mới, trong ba ngày tiếp theo, bạn không nên dùng thêm một loại thực phẩm mới nào khác và chú ý theo dõi phản ứng cơ thể bé để biết được bé có dị ứng với thực phẩm ấy hay không.
Bé ăn dặm bao nhiêu là đủ?
Khi bắt đầu cho bé ăn dặm, hầu hết các bà mẹ thường không biết nên cân bằng lượng sữa mẹ, sữa ngoài và thức ăn dặm như thế nào để phù hợp với sự phát triển của bé. Tuy nhiên, việc đó sẽ không quá phức tạp như bạn tưởng. Bạn nên cho bé ăn dặm 1 ngày/lần, hoặc 2 ngày/lần nếu bé có vẻ không yêu thích món ăn mới.
Vào khoảng 6 tháng tuổi, bé cần được cung cấp từ 700 – 1000 ml sữa mẹ hoặc sữa ngoài trong một ngày. Đến khi bé gần 1 tuổi, lượng sữa cho bé sẽ giảm xuống từ 500 – 700 ml, các nguồn dinh dưỡng cần thiết còn lại chủ yếu từ các bữa ăn dặm. Thông thường, trẻ từ 9 – 10 tháng tuổi nên được ăn 3 bữa ăn dặm trong một ngày.
Bạn hãy ghi nhớ rằng, bé chỉ ăn vì đói bụng, chứ không phải vì yêu thích như người lớn, vì vậy, lượng thức ăn nhiều hay ít tùy thuộc vào sự ngon miệng và khả năng hấp thu của mỗi bé. Việc của bạn là cung cấp cho bé những món ăn giàu chất dinh dưỡng và có lợi cho sức khỏe, chứ không phải thúc ép bé ăn theo số lượng nhất định hay công thức do bạn mong muốn hoặc học được từ khác.
Từ độ tuổi này trở đi, bạn nên khuyến khích bé ăn khi đói và dừng lại khi đã cảm thấy no. Điều đó tạo cho bé một thói quen ăn uống hợp lý, đảm bảo đủ chất cho cơ thể và chống bệnh béo phì.