Mẹ bầu đã hoàn thành nhiệm vụ cho ngày hôm nay – bổ sung đầy đủ dinh dưỡng “dành cho hai người” chưa? Nếu bạn chưa hoàn thành được, hoặc không biết chế độ dinh dưỡng “cho hai người” của bà bầu như thế nào, bạn cần tìm hiểu thêm trong bài viết sau đây.
Đừng hiểu nhầm ý nghĩa “dành cho hai người”
Có phải chế độ dinh dưỡng “dành cho hai người” là phải ăn nhiều gấp đôi so với trước khi mang thai không? Câu trả lời là không. Mặc dù bạn có đôi lần cố gắng ăn gấp đôi, ăn cả phần của em bé nữa, nhưng đó không phải là những gì chế độ dinh dưỡng “dành cho hai người” đang nói tới.
Cơ thể của bạn hấp thu chất dinh dưỡng ngày càng nhiều hơn và hiệu quả hơn trong thai kỳ. Ăn thức ăn nhiều gấp đôi không có nghĩa là bạn sẽ có gấp đôi cơ hội sinh con khỏe, mà điều đó có nghĩa là bạn sẽ tăng cân gấp đôi, tăng nguy cơ gặp phải những biến chứng khi mang thai.
Mặc dù có nhiều hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng cho bà bầu khác nhau, nhưng cơ bản là như sau. Nếu bạn có cân nặng bình thường và đầy đủ, bạn không cần bổ sung thêm kcal vào 3 tháng đầu tiên, và thêm 340 kcal/ngày vào tam cá nguyệt thứ hai và khoảng 450 kcal/ngày vào tam cá nguyệt thứ ba. Nếu bạn đang thừa cân hoặc thiếu cân, bạn sẽ cần bổ sung nhiều hơn hoặc ít hơn so với lượng tiêu chuẩn như trên.
Vào tam cá nguyệt cuối cùng, bạn chỉ cần uống thêm một cốc sữa ít béo và bánh mì sandwich cá ngừ là đủ năng lượng bổ sung cần thiết.
Chế độ dinh dưỡng như thế nào là hợp lý?
Sắp xếp bữa ăn và bữa ăn phụ dựa trên các thông tin dinh dưỡng phù hợp cho phụ nữ mang thai.
Cố gắng tối thiểu những thực phẩm cung cấp quá nhiều năng lượng nhưng lại ít dinh dưỡng – các thức uống có đường, đồ chiên, thức ăn nhiều chất béo. Thay vào đó, hãy chọn những món ăn giàu dinh dưỡng, như sữa chua, các loại hạt, trứng luộc, trái cây hoặc rau củ vào khẩu phần hằng ngày của bạn, nhằm cho bé nguồn năng lượng khỏe mạnh mà bé cần.
Để đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể về chất đạm, đường bột, chất béo tốt, các loại vitamin,, chất khoáng và năng lượng trong suốt thời gian mang thai, bạn cần ăn nhiều loại thực phẩm đa dạng, thậm chí thực phẩm cùng nhóm (như cùng nhóm chất xơ, các loại thịt, hải sản…) thì bạn cũng cần chọn những loại khác màu sắc, khác hình dạng…
Chọn những loại thực phẩm gần với trạng thái tự nhiên nhất có thể, càng qua ít khâu chế biến, xử lý hóa học càng tốt. Ví dụ, bạn nên ăn những loại bánh mì được làm từ bột nguyên cám hoặc gạo nâu thay vì bánh mì trắng hoặc gạo trắng, ăn trái cây tươi hoặc trái cây đã để đông lạnh thay cho các món trái cây đóng hộp hoặc nước ép trái cây đóng hộp.
Hạn chế ăn chất béo và đồ ngọt, đồ ăn vặt. Đảm bảo chọn nguồn chất béo tốt.
Thức ăn sau khi vào cơ thể được phân chia cho bạn và bé như thế nào?
Các bác sĩ cũng không hiểu chính xác dinh dưỡng sẽ được phân chia cho bé và bạn như thế nào. Chỉ chắc chắn là dinh dưỡng nuôi sống em bé đến từ khẩu phần ăn của bạn và từ nguồn dinh dưỡng được dự trữ trong xương và mô của bạn. Chế độ dinh dưỡng không hợp lý có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của bé sau này. Tóm lại, sức khỏe và sự phát triển của con bạn sẽ bị tác động trực tiếp bởi những gì bạn ăn trước và trong thời kỳ mang thai.
Bạn nên nhớ rằng, những món bạn ăn đều rất quan trọng. Đừng cố gắng ăn gấp đôi, ăn quá nhiều, vì bạn đang ăn cho em bé chứ không phải ăn hộ một người lớn. Hãy đề cao chất lượng hơn số lượng.