Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu năng lượng, chất đạm và các vi chất dinh dưỡng khác để cơ thể hoạt động một cách bình thường. Mẹ đã biết cách chăm sóc trẻ bị suy dinh dưỡng đúng cách hay chưa?
Bệnh suy dinh dưỡng thường xảy ra đối với trẻ dưới 3 tuổi, có ảnh hưởng ít nhiều đến sự phát triển về thể chất, tinh thần và khả năng vận động của trẻ. Suy dinh dưỡng gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với trẻ, vì cơ thể trẻ có sức đề kháng yếu, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm và dễ phát bệnh nặng, đặc biệt có thể dẫn đến tử vong nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ thường rất đa dạng, chủ yếu là do:
– Đau ốm trong thời gian dài: Trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu hóa nhiều lần, biến chứng sau các bệnh viêm phổi, sởi, lỵ… Khi mắc các bệnh này, trẻ thường không muốn ăn uống và cơ thể cũng không thể hấp thu nhiều chất dinh dưỡng. Điều đó có thể là một trong những lý do dẫn đến suy dinh dưỡng.
– Thể trạng yếu: Trẻ đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai và cơ thể thiếu chất, không thể hấp thu chất dinh dưỡng.
– Trẻ sống ở môi trường khắc nghiệt, hoặc có nhu cầu năng lượng cao hơn những trẻ khác nhưng không được đáp ứng đầy đủ. Nếu trẻ sống trong môi trường quá lạnh, trẻ sẽ cần nhiều năng lượng hơn để đốt cháy năng lượng và làm ấm cơ thể. Hoặc những trẻ vận động nhiều, tiêu hao nhiều năng lượng nhưng không được bổ sung lại đầy đủ. Những em bé này dễ mắc phải tình trạng suy dinh dưỡng.
Cách chăm sóc trẻ bị suy dinh dưỡng
Cân nhắc chế độ dinh dưỡng hợp lý
Một trong những vấn đề quan trọng trong việc chăm sóc trẻ bị suy dinh dưỡng là cung cấp dưỡng chất đầy đủ. Sữa mẹ là nguồn cung cấp dưỡng chất tốt nhất cho bé. Mẹ nên cho bé bú sữa bất cứ khi nào bé muốn, hoặc đảm bảo đủ cữ sữa cho bé tùy theo từng độ tuổi. Nếu bạn không có đủ sữa cho con bú, bạn có thể cho con uống thêm sữa công thức và ăn thêm các thực phẩm ngoài nếu bé đã đủ tuổi ăn dặm.
Từ 6 tháng tuổi trở lên, mẹ nên cho trẻ ăn bổ sung theo tháng tuổi, cung cấp cho bữa ăn có đầy đủ 4 nhóm thực phẩm đạm – béo – đường bột – vitamin và khoáng chất. Mẹ cần đảm bảo cung cấp đủ những thực phẩm cho bé ăn dặm và ghi nhớ những lưu ý khi cho con ăn dặm. Mẹ cần cho bé ăn 3 bữa chính và 3 bữa phụ với thức ăn phải nấu kỹ và ăn ngay khi còn nóng.
Một số cách giúp tăng năng lượng cho bữa ăn của bé như dùng giá đậu xanh để làm lỏng thức ăn cho trẻ, tức là có thể tăng lượng bột khô lên 2 – 3 lần mà độ lỏng của bột không thay đổi. Cứ 10g bột cho 10g giá đậu xanh giã nhỏ lọc lấy nước. Dùng sữa bò pha loãng có cho thêm đường để cung cấp thêm năng lượng. Nếu trẻ bị rối loạn tiêu hoá (do không chịu được Lactose của sữa bò) có thể dùng sữa đậu nành pha thêm dầu thực vật và đường.
Đối với những trẻ mắc bệnh suy dinh dưỡng nặng, mẹ cần cho trẻ ăn nhiều bữa nhỏ giống như trẻ bình thường, bổ sung thêm calo như bổ sung thêm 1 muỗng dầu ô liu vào thức ăn của bé và cho bé uống thêm những loại sữa giàu năng lượng theo chỉ định và tư vấn trực tiếp của bác sĩ.
Chăm sóc sức khỏe
Vì trẻ suy dinh dưỡng có hệ miễn dịch yếu và dễ mắc phải bệnh truyền nhiễm, bạn cần chú ý giữ vệ sinh sạch sẽ để chống viêm và chống bệnh truyền nhiễm. Tắm rửa sạch sẽ cho trẻ 1 ngày 2 lần vào mùa nóng, giữ ấm cho trẻ vào mùa lạnh. Vệ sinh răng miệng cho bé vào mỗi buổi sáng và buổi tối. Luôn hướng dẫn con giữ tay sạch sẽ, đồng thời mẹ nên thường xuyên cắt móng tay và rửa tay cho con sau khi vấy bẩn, nhắc nhở con không được mút tay,v.v..