Các mẹ luôn mong muốn làn da của con mình mềm ẩm và mịn màng vì đó mới là dấu hiệu của sức khỏe tốt và phát triển ổn định. Tuy nhiên, trong thời gian chăm sóc trẻ sơ sinh giai đoạn đầu, bạn sẽ bất ngờ khi nhận thấy làn da của bé thường mắc phải những khiếm khuyết và những dấu hiệu bất thường.
Hãy chú ý đến những khiếm khuyết trên da mà trẻ sơ sinh có thể mắc phải và thực hiện cách chăm sóc da cho trẻ sơ sinh một cách phù hợp sau đây.
Chăm sóc da trong thời gian đầu
Lột da là tình trạng tự nhiên thường diễn ra đối với trẻ sơ sinh. Điều này chính là do bé đã ở trong môi trường nước ối ẩm ướt trong 9 tháng và bây giờ đang tập thích nghi với môi trường không khí khô ráo. Sự thay đổi này khiến làn da của bé nhiều thời gian để thích nghi nên gây ra tình trạng da bị lột.
Để da của bé sớm thích nghi với môi trường mới, mẹ chú ý chọn loại xà phòng có mùi và màu sắc nhẹ nhàng, độ pH thấp và đặc biệt là loại dành cho em bé. Các loại xà phòng hay dầu gội có mùi nồng hoặc nhiều màu sắc sặc sỡ thường chứa nhiều loại hóa chất phụ gia không tốt cho làn da của bé.
Có nên sử dụng phấn thơm cho bé hay không?
Nhiều bà mẹ sẽ muốn thoa phấn thơm lên người bé mỗi lần tắm gội hay thay tã, vì phấn thơm khiến làn da bé có vẻ mềm mại hơn và thơm tho sạch sẽ. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ nhi khoa khuyên không nên dùng phấn thơm vì phấn thơm có thể gây nên các vấn đề về hô hấp nếu trẻ không may hít vào.
Nếu em bé nhà bạn vốn dĩ đã gặp vấn đề về hô hấp, hãy để trẻ tránh xa phấn thơm, và tuyệt đối không nên sử dụng cho bé vì phấn có thể làm bệnh trở nặng. Nếu bé hô hấp khỏe mạnh và bạn thực sự rất muốn cho con sử dụng phấn thơm, hãy bôi một cách hạn chế. Đứng cách xa bé khi bạn đổ phấn từ bình vào tay của mình, và nhẹ nhàng bôi phấn vào người bé.
Cẩn thận với bột giặt
Nhiều trẻ có làn da nhạy cảm sẽ có khả năng dị ứng với bột giặt rất cao, vì trong bột giặt chứa nhiều hoạt chất tẩy rửa. Để bảo vệ làn da trẻ trước những tác động ngoài ý muốn của các hóa chất trong bột giặt, hãy giặt và xả quần áo kỹ lưỡng. Hoặc nếu bạn sử dụng máy giặt, hãy chọn chế độ xả gấp 2 lần, đảm bảo xả thật sạch bột giặt trong quần áo của bé.
Chăm sóc da cẩn thận khi bọc tã
Bạn thường bọc tã cho trẻ suốt cả ngày để tránh làm bẩn giường, nệm hoặc quần áo cho trẻ. Tã là một sản phẩm rất tiện lợi cho trẻ em nhưng đôi khi gây ra hiện tượng hăm tã, gây kích ứng da và nhiễm trùng vùng da ở khu vực boc tã.
Để đề phòng bệnh hăm tã ở trẻ, bạn nên thay tã mỗi ngày 6 lần đối với tã giấy và 8 lần đối với tã vải. Nếu em bé bị hăm tã, bạn không nên sử dụng khăn giấy ướt để lau cho trẻ vì trong những sản phẩm này thường chứa cồn, có thể gây lở vết thương nghiêm trọng. Thường xuyên vệ sinh khu vực bọc tã bằng nước ấm, xà phòng dành cho trẻ em. Cách tốt nhất để cho vết thương mau lành là để làn da bé khô thoáng, không bọc tã cả ngày như trước đây.