“Mẹ ơi, đừng phạt con quá nặng.”
Đôi khi, trong cơn căng thẳng, chúng ta đã “tuyên bố xanh rờn” với bé rằng: “Con hư quá. Ba mẹ sẽ không mua bất kỳ một món quà nào cho con trong dịp sinh nhật tới”. Tất nhiên, lời tuyên bố của bạn sẽ không phải là sự thật, bạn sẽ không phạt con nặng đến mức ấy, mà chỉ muốn con phải lo sợ những hình phạt nặng và cư xử đàng hoàng hơn.
Tuy nhiên, nếu bạn áp dụng hình thức quá nhiều lần nhưng không bao giờ thật sự thực hiện đó, bạn dần mất đi sự “tín nhiệm”. Tức là, bạn tạo cho bé suy nghĩ rằng mẹ chỉ dọa vậy thôi, chứ không bao giờ làm được, và những lời đe dọa của bạn trở nên vô hiệu nghiệm.
Vậy làm thế nào để bé nể sợ bạn, mà bạn vẫn hành động một cách nhất quán, chứ không phải “dọa rồi để đó”? Bạn có thể cho bé cơ hội khác để lựa chọn sửa lỗi. Sau khi cho con thấy sai lầm cũng mình, bạn hãy cho bé cơ hội được bù đắp lỗi của mình bằng một công việc hữu ích. Dù cách này không thể thực hiện thường xuyên vì có thể gây tác động ngược, nhưng bạn vẫn có thể phân tích và nói cụ thể vấn đề, như “Mẹ không thích con trai yêu của mình cư xử như thế đâu, nhưng mẹ sẽ không phạt con lần này. Đổi lại, con hãy thử sửa lỗi của mình.”
Đàm phán với con không có nghĩa là bạn thua cuộc
Theo một cách hiểu nào đó, nuôi dạy con ngoan có thể được xem là một cuộc đối đầu, giữa bạn và con của mình. Bạn sẽ mong muốn kiểm soát được bé, và khiến bé cư xử ngoan ngoãn theo ý mình; còn bé cũng có những cảm xúc và nhu cầu riêng đòi hỏi chúng phải hành động theo cách khiến bạn cảm thấy không hài lòng.
Tuy nhiên, “cuộc đối đầu” này không nhằm để tranh giành thắng thua, mà mong muốn đạt được kết quả “hai bên cùng thắng”, tức là bạn vẫn kiểm soát được con, mà bé vẫn thỏa mãn được các nhu cầu học hỏi, vui chơi. Vì vậy, một cuộc đàm phán nho nhỏ giữa hai mẹ con có khi là biện pháp tốt để bạn và con tìm hiểu được mong muốn đối phương.
Ví dụ, nếu bé nghịch ngợm vứt đồ chơi khắp nhà, thậm chí còn vứt rất mạnh và có thể làm hỏng chúng. Trong trường hợp này, nếu bạn la mắng và phạt bé úp mặt vào góc tường, bé sẽ phản ứng gay gắt theo bản năng hoặc hoàn toàn im lặng một cách giận dỗi.
Vậy bạn hãy thử một số cách khác tránh bé cảm thấy tiêu cực – tìm một “lối ra” tạm thời cho tình huống này. Bạn có thể nói “Con có muốn uống nước hoặc ăn bánh không? Sau đó mẹ con mình cùng đi nhặt những món đồ chơi nhé”, “Để coi mẹ con mình nên giải quyết chuyện này như thế nào để cả hai đều có được điều mình muốn nha”. Hoặc bạn có thể nhờ bé “tư vấn” cho mình cách giải quyết vấn đề “Mẹ không vui khi thấy con làm như vậy. Con có cách nào làm mẹ hài lòng hơn không?”, biết đâu bạn lại có thể thấy bé rất có thiện chí muốn làm hòa với mẹ và biện pháp hòa bình rất đáng yêu.
Cách đàm phán này không có nghĩa bạn chịu thua hoặc đầu hàng trước sự tinh nghịch của bé, đó là dấu hiệu cho thấy bạn tôn trọng con và muốn tìm hiểu những mong muốn của chúng.
Hãy rõ ràng, việc nào ra việc nấy
Đôi khi chúng ta bực dọc hay la mắng con không phải vì chúng quá lì lợm, mà vì chúng ta mệt mỏi với công việc, hoặc là đó là các các ông bố bà mẹ đều như làm như vậy, hoặc bạn đã có một đêm mất ngủ với con nhỏ quấy khóc. Mặc dù điều đó không công bằng, nhưng có thể hiểu được.
Lời khuyên dành cho bạn ở đây là hãy suy ngẫm lại hành động và thái độ của mình, hãy thực sự sống trong khoảnh khắc chỉ có bạn và bé, chỉ đáp lại những gì diễn ra vào lúc ấy, không để những vướng bận khác ảnh hưởng đến tình cảm của bạn dành cho con. Đây là một phần rất khó khăn của việc làm cha mẹ, nhưng nếu bạn có thể làm được điều này, bạn càng thể hiện tình yêu với con cái tốt hơn.
Không làm con xấu hổ trước mặt nhiều người
Mỗi khi bạn cần nghiêm khắc răn dạy con ở nơi công cộng hoặc nơi có nhiều người, hãy cân nhắc đến suy nghĩ và cảm xúc của con. Điều ấy có thể khiến con cảm thấy xấu hổ và ngượng ngùng. Cảm giác xấu hổ sẽ che lấp toàn bộ những gì bạn đang dạy bảo trong đầu bé, bé hầu như không nghe những điều bạn đang nói.
Nếu có thể, bạn có thể đưa bé ra khỏi nơi đông người để nói chuyện, hoặc chỉ cần kéo con lại gần và thì thầm vào tai. Mặc dù cách dạy con ngoan như thế này không phải lúc nào cũng hiệu quả, nhưng nếu bạn thực hiện được, bạn sẽ cho con thấy bạn tôn trọng suy nghĩ của chúng và không làm chúng sượng sùng vì những điều sai trái mình đã làm.
Biết lắng nghe
Khi tình huống xấu xảy ra, tất nhiên lỗi có thể là của bé, bạn đừng vội kết luận tình huống tồi tệ nhất và la mắng con. Hãy cho con cơ hội giải thích. Bé có thể có những điều cần thanh minh nhưng vẫn chưa sẵn sàng để nói ra ngay.
Chúng ta là cha mẹ, và chúng ta luôn phải suy nghĩ thấu đáo, bởi vì tụi nhóc sẽ nói quanh co để chối tội. Tuy nhiên, trước khi kết tội con vì những gì rõ ràng bé đã làm, bạn hãy tìm hiểu xem con muốn nói gì nhé. Có thể những điều con nói ra lại là một lời xin lỗi mẹ rất chân thành và hứa sẽ không lặp lại lỗi lầm nữa thì sao.
Lời kết: Để trở thành một người mẹ tốt, thấu hiểu con và biết cách dạy con ngoan, bạn cần rất nhiều nỗ lực và quyết tâm. Mang nặng đẻ đau là một quá trình khó khăn, nhưng chăm sóc và dưỡng dục con cái là việc còn gian nan hơn nhiều. Với những chia sẻ trên, Bé Yêu Mẹ hy vọng bạn có thêm nhiều bí quyết mới để thêm vào sổ tay dạy con ngoan của mình, và có cách xử lý những tình huống dở khóc dở cười cùng bé, để cùng nhau tạo nên nhiều kỷ niệm cho gia đình. Làm cha mẹ thật vui!