Chúng ta đều cảm thấy mệt mỏi và bực dọc mỗi khi phải đối mặt với cách hành xử kỳ quặc của bé. Mỗi lần bé cư xử không đúng, điều duy nhất chúng ta nghĩ đến là phải uốn nắn và nghiêm khắc với bé, theo cách mà chúng ta mong muốn.
Điều thú vị là những đứa trẻ hầu hết đều có những biểu hiện giống nhau mỗi khi chúng đói bụng, mệt mỏi hoặc buồn chán. Vì vậy, chúng ta khoan hãy nổi cáu và la mắng con mỗi khi chúng có hành động mà bạn cho là sai trái. Hãy quan sát những biểu hiện của bé và thấu hiểu nguyên nhân dẫn đến những biểu hiện này, bạn sẽ biết cách dạy con ngoan như thế nào.
Thay vì nghiêm cấm, hãy cho con lời khuyên
“Con dừng lại ngay!”, “Con không được vẽ bậy lên tường!” – Đó là những gì chúng ta nói với trẻ khi con không ngoan ngoãn và làm điều sai trái. Chúng ta chỉ bắt con không được làm gì đó, nhưng lại không cho con biết chúng nên làm gì. Chúng ta trở thành những ông bố, bà mẹ tiêu cực vì chỉ biết phê phán hoặc nghiêm cấm con.
Một bà mẹ tích cực sẽ muốn dạy cho con những điều hay và khuyến khích bé thực hiện, giúp cho bé có cách cư xử đúng đắn và sống hòa hợp với thế giới khi bé trưởng thành. Vì vậy, bạn nên nói với con rằng “Con hãy vứt những mẩu giấy vào giỏ rác. Một em bé ngoan luôn làm như thế!”, thay vì bảo con rằng “Con không được vứt rác khắp nhà như thế. Con không thấy con làm mọi thứ rất bừa bộn sao!”.
Đừng quá cứng nhắc, hãy thật kiên nhẫn và mềm mỏng
Chúng ta tự mình đặt ra rất nhiều nguyên tắc dành cho con trẻ, rằng con không nên cư xử như thế này, không được làm như thế kia. Tuy nhiên, chúng ta đôi khi vẫn cần cho bé cảm thấy “dễ thở” và cũng là cho chính mình thời gian suy nghĩ cách xử lý trong những tình huống bé cư xử không ngoan. Thay vì giận dữ bắt con phải làm theo tất cả những quy định do mình đề ra ngay khi bé quậy phá, nghịch ngợm, bạn hãy đợi đến lúc con bình tĩnh và chịu lắng nghe để nhắc nhở bé. Với cách này, bạn sẽ cảm nhận sức được công dụng không ngờ của những lời khuyên ấm áp và cử chỉ nhẹ nhàng đối với bé.
Cử chỉ yêu thương luôn là yếu tố cần thiết
Bạn luôn cần tỏ ra nghiêm khắc và lạnh lùng mỗi lần dạy con trẻ, hoặc những lúc bé quậy phá. Bạn sẽ nói rất nhiều về những lỗi sai của bé, một cách giận dữ. Tuy nhiên, con trẻ có khi cũng đang rất bực bội như bạn, vì không được làm điều mình muốn. Chúng hầu như chẳng tiếp thu những điều bực dọc mà bạn đang buông ra nhằm thỏa cơn giận của người lớn.
Cách tốt nhất bạn nên làm lúc này là giữ yên lặng, giữ bản thân bình tĩnh và cũng để bé dịu lại. Một vài cử chỉ yêu thương lúc này rất cần thiết,như ôm bé, xoa vai, hoặc mỉm cười, thể hiện sự đồng cảm qua nét mặt. Sau khi mọi chuyện đã dần nguôi ngoai, bạn có thể khuyên bảo con và giải thích vì sao việc bé làm là sai trái và bé nên thay đổi như thế nào.
Thấu hiểu những hành động của bé
Mỗi biểu hiện hay hành động của bé đều là “triệu chứng” của một vấn đề nào đó. Để chữa trị dứt điểm một căn bệnh, bạn cần hiểu căn nguyên của nó. Những biểu hiện kỳ lạ hay cách cư xử khác thường của bé đều bắt nguồn từ những cảm xúc ẩn chứa bên trong. Mỗi lần phát hiện bé nhà mình rơi vào tình trạng này, bạn hãy thử quan sát tỉ mỉ và suy nghĩ xem bé đang cảm thấy như thế nào, có thể là do cảm thấy buồn chán, đói bụng, mệt mỏi hoặc đang tò mò khám phá những điều mới.
Chúng ta hãy sửa chữa sau mỗi lần giận dữ
Việc va chạm với con cái là điều khó tránh khỏi, nhất là trong giai đoạn bé đang phát triển từ 3 – 6 tuổi hoặc từ lúc đi học tiểu học. Bạn sẽ phải đối mặt với việc này mỗi ngày, hoặc vài lần mỗi ngày. Thường thì bạn sẽ rất giận dữ, ngay lập tức cắt đứt mọi tương tác với trẻ và cứ để mặc con cảm thấy khó chịu vì không được làm điều mình muốn. Chúng ta không cố ý làm như thế, nhưng những lúc không điều khiển được cảm xúc của mình, các bậc cha mẹ thường phản ứng theo cách khiến cho trẻ có cảm giác rằng “con mà cứ tỏ ra quậy phá/nghịch ngợm như vậy, ba/mẹ sẽ không nói chuyện với con nữa”.
Điều quan trọng cần làm là chúng ta biết nhanh chóng hàn gắn những bất hòa sớm nhất có thể, bằng cách chủ động nói chuyện và gần gũi với con. Bằng cách thể hiện những hành động chân thành và yêu thương, chúng ta đang làm một tấm gương cho con và dạy chúng kỹ năng quan trọng, giúp bé tận hưởng mối quan hệ gia đình, để bé biết được bạn luôn yêu thương bé dù con có hành động sai trái như thế nào. Và đó cũng là cách vun đắp và dạy cho bé hiểu lòng vị tha là như thế nào.