Cuống rốn là một bộ phận sẽ tách rời khỏi cơ thể bé sau một vài ngày sau khi sinh. Nhưng nếu không chăm sóc cẩn thận, miệng rốn có thể bị nhiễm khuẩn và chảy máu. Mẹ đã biết cách chăm sóc dây rốn cho trẻ sơ sinh chưa?
Cuống rốn là gì?
Em bé trong bụng mẹ được cung cấp chất dinh dưỡng và khi ô-xy thông qua nhau thai được gắn vào thành tử cung của người mẹ. Nhau thai được kết nối vào cơ thể bé thông qua dây rốn nằm ở một lỗ mở ở bụng thai nhi.
Sau khi em bé được sinh ra đời, dây rốn của bé sẽ được cắt để tách bé khỏi cơ thể mẹ. Vết cắt sẽ được cắt cách cơ thể bé một đoạn 5 – 8 cm. Đoạn rốn dài này được gọi là cuống rốn, không thể tách rời khỏi cơ thể ngay được mà sẽ tự động khô lại và rụng khỏi lỗ rốn của bé trong 7 – 21 ngày. Sau khi cuống rốn rụng, một lỗ hở sẽ xuất hiện trên bụng bé và cần vài ngày để hồi phục hoàn toàn.
Sau khi cuống rốn rụng đi, bạn có thể nhìn nhìn một ít vết máu trên tã của bé, hoặc nước dịch màu vàng xuất hiện ở miệng rốn. Lỗ rốn bị hở trong giai đoạn này rất dễ bị nhiễm khuẩn, vì vậy, mẹ cần chăm sóc miệng rốn một cách cẩn thận và chu đáo.
Cách chăm sóc miệng rốn cho bé sau khi cuống rốn đã rụng đi
- Mẹ nên giữ vết thương của bé sạch sẽ và khô ráo. Đặc biệt nên chú ý khi mặc tã cho bé, phần lưng tã sẽ quấn chặt xung quanh bụng của bé, gây đau rát, hoặc một số trường hợp, nước tiểu sẽ tràn lên gần miệng rốn và dễ gây nhiễm khuẩn. Vì vậy, mẹ nên gấp phần lưng tã xuống thấp để tránh việc tã quấn quanh vết thương.
- Thay vì cho bé tắm trong thau hoặc chậu tắm của bé, hãy dùng bông tắm hoặc khăn tắm thật mềm để lau sạch người cho bé.
- Trong thời tiết ấm áp, mẹ chỉ nên mặc tã cho bé, cùng với một chiếc áo thun rộng và mỏng. Việc này sẽ giúp cho không khí lưu thông và làm cho miệng vết thương khô nhanh hơn.
- Tránh mặc những bộ đồ áo liền quần cho bé trong giai đoạn vừa rụng cuống rốn, vì phần vải cọ xát với phần da xung quanh miệng rốn có thể khiến cho bé khó chịu.
- Không nên cố gắng giật cuống rốn dù trông có vẻ như cuống rốn giống một sợi dây và rất dễ rớt ra ngoài. Hãy để cuống tự động rơi ra khi nó đã khô hoàn toàn.
- Mẹ cũng không nên dùng cồn để lau rốn cho bé. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những em bé được rửa miệng rốn bằng cách thấm bông vào cồn để rửa vết thương thường hồi phục và liền da ở phần rốn lâu hơn các bé không được áp dụng các chăm sóc này.
- Khi thay băng rốn cho trẻ, mẹ cần rửa sạch tay với xà phòng và nước sạch. Dùng bông gòn sạch lau xung quanh rốn, lau sạch các chất dịch tiết ra từ rốn, lau sạch cuống rốn rồi mới lau xuống đến phần bụng và chân.
Một số dấu hiệu cho thấy bé bị nhiễm khuẩn ở miệng rốn như:
- Bé khóc nhiều và khóc to khi bạn chạm nhẹ và rốn hoặc vùng da lân cận.
- Vùng da xung quanh cuống rốn, miệng rốn bị đỏ
- Miệng rốn có mùi hôi và xuất hiện dịch vàng.
Khi nhận thấy con mình có những dấu hiệu như trên, mẹ và người thân cần đưa bé đến bệnh viện hoặc bác sĩ nhi khoa để điều trị cho bé.