Những năm tháng đầu đời của trẻ luôn là khoảng thời gian đem lại nhiều điều bất ngờ và hạnh phúc cho ba mẹ. Mặc dù bạn biết rằng, con sẽ khôn lớn và phát triển từng ngày, khoảnh khắc chứng kiến con vượt qua những cột mốc phát triển của trẻ sơ sinh không thể không làm bạn xúc động.
Bạn cũng cần biết những thay đổi qua các giai đoạn phát triển của trẻ, và theo dõi từng tuần. 52 tuần (13 tháng) trôi qua là một khoảng thời gian không quá dài, nhưng chứa đầy những điều kỳ diệu. Dưới đây là một số cột mốc đáng chú ý trong các giai đoạn phát triển của trẻ mà bạn nên chú ý. Nhưng bạn cũng đừng nên lo lắng nếu con mình không đạt được những cột mốc này vào đúng thời điểm được nêu ở đây nhé, vì mỗi bé đều có bước phát triển riêng của mình.
Bé 1 tháng tuổi
Tuần 1: Mặc dù chỉ mới 1 tuần thôi qua, em bé của bạn biết nhận thức được rằng bạn chính là người bé có thể dựa dẫm. Bé có thể nhận thấy giọng nói của ba, mẹ, hoặc những người chăm sóc bé trong thời gian này. Giọng nói quen thuộc của ba mẹ giúp cho bé không còn cảm giác xa lạ với thế giới bên ngoài bụng mẹ. Vì vậy, ba mẹ nói chuyện với bé càng nhiều càng tốt, điều này sẽ giúp bé bớt cảm giác cô đơn và sợ hãi hơn.
Mặc dù bé vẫn chưa thể hiểu hết những gì bạn nói, nhưng tình yêu thương có thể được thể hiện thông qua ngữ điệu và độ trầm bổng của lời nói.
Âm nhạc cũng đóng vai trò quan trọng giúp bé phát triển các giác quan. Âm thanh nhẹ nhàng như tiếng chuông gió hoặc tiếng đồng hồ tích tắc cũng có thể làm bé cảm thấy thích thú. Đối với mỗi thể loại nhạc khác nhau, bé sẽ có những biểu hiện hay phản ứng khác nhau. Đến một lúc nào đó, bé sẽ có biểu hiện rõ mình thích loại nhạc nào hơn.
Tuần 2: Từ tuần này, bé có thể tập trung vào các vật dụng ở khoảng cách 20 – 30 cm, khoảng cách giữa mắt bé và mắt của mẹ mỗi lần được cho bú. Một cái trống đồ chơi lúc lắc cũng khiến bé chú ý. Tuy nhiên bé lại thích nhìn vào gương mặt của ai đó hơn là nhìn vào đồ vật. Vì vậy, mỗi lần cho con bú, bạn hãy thỉnh thoảng di chuyển đầu chậm rãi qua bên trái, hoặc bên phải, đồng thời nhìn vào mắt bé. Bạn sẽ thấy bé nhìn theo sự di chuyển của đầu bạn. Cách này sẽ giúp bé phát triển cơ mắt và kĩ năng theo dõi, quan sát.
Tuần 3: Mặc dù những hành động và cử động cơ thể của bé trong tuần này còn khá ngẫu nhiên và vụng về, nhưng phần nào đó, bé vẫn có thể kiểm soát cơ thể một cách rất tốt. Mỗi lần bạn ẵm bé, hãy chú ý cách bé cựa mình và thay đổi tư thế để gần gũi với bạn hơn. Em bé sẽ cảm thấy vòng tay mẹ ấm áp, thậm chí hương thơm cơ thể mẹ cũng có thể giúp bé cảm thấy rất dễ chịu và thoải mái.
Tuần 4: Bạn sẽ nghe thấy tiếng của bé nhiều hơn, trong tuần này, không chỉ qua tiếng khóc, mà là tiếng “ê a” của bé. Đặc biệt là khi nhìn thấy ba hoặc mẹ đi qua, bé sẽ cất tiếng gọi theo phong cách “rất sơ sinh”. Ba mẹ hãy tỏ ra quan tâm khi nghe bé “gọi” nhé, bé rất muốn nhận được sự chú ý của người lớn đấy.
Mỗi em bé đều có bước phát triển nhanh, chậm khác nhau. Những thông tin trên đây chỉ là những hướng dẫn cơ bản về các giai đoạn phát triển của trẻ, những tiềm năng mà bé có thể đạt tới lúc này, hoặc sẽ trong một vài tuần tới. Đừng lo lắng nếu em bé của bạn chậm hơn 1 hoặc 2 tuần nhé.