Ở Việt Nam tỉ lệ phụ nữ mang thai nhiễm vi rút viêm gan B chiếm từ 10 – 13%. Sự lây truyền virút viêm gan B từ mẹ sang cho con trong thời kỳ mang thai là rất nguy hiểm. Mức độ nguy hiểm khác nhau tùy theo từng thời gian mang thai của người mẹ.
Trẻ sơ sinh bị nhiễm vi rút viêm gan B lây truyền từ mẹ là một vấn đề khó khăn trong công tác chữa bệnh. Số trẻ bị nhiễm vi rút viêm gan B từ người mẹ có thể trở thành viêm gan cấp tính, chiếm tỷ lệ khoảng từ 5 -7%.
Triệu chứng bệnh viêm gan B ở trẻ em
Khi bị nhiễm virus viêm gan B, trẻ có thể mang vi rút mà không có biểu hiện gì, vẫn sinh hoạt, học tập, phát triển bình thường. Khi có điều kiện thuận lợi nào đó như nhiễm trùng nặng, sức khỏe giảm sút…, vi rút sẽ gây các đợt viêm gan cấp.
Trong thời kỳ trước khi có vàng da, trẻ thường có các triệu chứng giả cúm như sốt, chảy nước mũi… khi đó cần phải đưa trẻ đến ngay bệnh viện hoặc các phòng khám chuyên khoa gan để sớm có biện pháp điều trị thích hợp.
Viêm gan B cấp tính ở trẻ sơ sinh có thể có một số triệu chứng như vàng da, nước tiểu vàng, bú kém. Xét nghiệm máu sẽ thấy men gan và các chỉ số bilirubin máu cũng tăng rất cao.
Khi trẻ sinh ra nghi ngờ bị bệnh viêm gan B, cần cho trẻ đi khám bệnh ngay ở cơ sở y tế có đủ điều kiện xét nghiệm. Sau khi khám bệnh xác định trẻ bị viêm gan B, cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ và khi thấy trẻ vàng da thuyên giảm hoặc hết thì nên đưa trẻ đi khám định kỳ hàng tháng trong vòng khoảng 6 tháng.
Tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan B ở trẻ em
Đối với trẻ sau khi sinh ra mà không bị viêm gan B thì cần được tiêm phòng vắc-xin mũi 1 trong vòng 24 giờ sau sinh. Thực hiện tiêm chủng vacxin đầy đủ cho trẻ theo lịch sau:
- Mũi 1: Tiêm trong vòng 24 giờ sau sinh.
- Mũi 2: Tiêm khi trẻ được 1 tháng tuổi.
- Mũi 3: Tiêm khi trẻ được 6 tháng tuổi.
Nếu trong thời kỳ mang thai người mẹ bị nhiễm viêm gan siêu vi B, em bé cần được tiêm globulin miễn dịch kháng viêm gan B (HBIG) cùng với vắc-xin viêm gan B giúp bảo vệ ngắn hạn trong vòng 12 giờ sau khi sinh.
Nhắc nhở các bà mẹ cách phòng tránh bệnh viêm gan B cho trẻ em
Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy bạn âm tính với viêm gan B, tức chưa bị nhiễm vi rút, bạn cần tiêm phòng vắc-xin ngay sau khi xét nghiệm. Nếu bạn đang mang mầm bệnh vi rút viêm gan B nhưng muốn mang thai, bạn nên đến nhờ bác sĩ chuyên khoa tư vấn.
Nếu bạn và ông xã chưa bị nhiễm vi rút viêm gan B, cần tiêm phòng để cả mẹ và bé được an toàn khi mang thai. Nếu một trong 2 người bị nhiễm vi rút viêm gan B thì người còn lại cũng khẩn trương kiểm tra và tiêm phòng vắc xin nếu kết quả vẫn là âm tính.