Bạn có thể đã từng nghe đến bệnh trầm cảm của phụ nữ sau khi sinh, và những câu chuyện xoay quanh căn bệnh này. Mặc dù vẫn chưa có một cách phòng tránh nào cụ thể và chính thức, nhưng bạn hoàn toàn có thể giảm khả năng mắc bệnh nếu tìm hiểu kỹ về bệnh và nguyên nhân gây ra.
Bệnh trầm cảm sau sinh là gì?
Trầm cảm sau sinh thường xảy ra đối với phụ nữ từ tuần đầu tiên sau khi sinh, phụ nữ sau khi sinh cảm giác chán nản, buồn phiền, lo lắng. Bệnh này sẽ không sớm thuyên giảm, hoặc tự chấm dứt, mà đòi hỏi các liệu pháp chữa trị và nghỉ ngơi hợp lý, kết hợp với nỗ lực của chính các mẹ và người thân trong gia đình.
Các dấu hiệu của bệnh trầm cảm sau sinh
Triệu chứng của bệnh thường khác nhau ở mỗi phụ nữ. Người thân hoặc bạn bè sẽ nhận thấy một số thay đổi bất thường ở bạn, tuy nhiên, chính bạn cũng sẽ cảm thấy:
– Không hứng thú làm bất cứ việc gì
– Cực kỳ mệt mỏi và kiệt sức
– Cảm thấy vô vọng
– Cảm thấy tội lỗi
– Ăn uống không ngon miệng
– Buồn bã, hay khóc lóc
– Lo lắng không yên
Hầu hết phụ nữ sau sinh sẽ thỉnh thoảng trải qua những cảm giác như thế này. Đó là việc hoàn toàn bình thường khi bạn vui vẻ vào một ngày nào đó, và cảm thấy buồn chán vào một ngày khác. Tuy nhiên, những phụ nữ mắc trầm cảm sau sinh luôn mắc phải những triệu chứng này trong nhiều ngày liên tiếp sau khi sinh.
Bệnh trầm cảm sau sinh xảy ra khi nào?
Bệnh thường phát triển trong vòng những tháng đầu tiên sau sinh, đặc biệt là trong 5 tuần đầu tiên, nhưng cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong năm đầu tiên.
Ban đầu, dù bạn rất phấn khởi và tận hưởng vai trò làm mẹ, bạn vẫn có thể mắc phải căn bệnh này. Nếu bạn từng rất phiền muộn trong thời kỳ mang thai, việc sinh bé cũng không giúp bạn cải thiện tâm trạng tốt hơn.
Nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm sau sinh
Nhiều chuyên gia cũng không hoàn toàn chỉ ra được nguyên nhân tại sao một số phụ nữ lại trở nên muộn phiền sau sinh, và một số khác thì không. Bạn có thể rất dễ mắc trầm cảm sau khi sinh em bé thứ 2, thậm chí khi sức khỏe của bạn khi sinh con đầu tiên vẫn rất ổn, và ngược lại.
Bệnh trầm cảm này hầu như là do nhiều nguyên nhân cộng chung lại. Đôi khi, nhiều việc bạn phải đối mặt hằng ngày khiến bạn cảm thấy quá tải, bạn hầu như không thể chăm sóc bản thân, nghỉ ngơi hoặc ăn uống đàng hoàng. Đối với một số trường hợp, bạn sẽ cảm thấy rất khó để xử lý, như:
- Bạn từng bị trầm cảm trước đây, hoặc bạn có vấn đề về sức khỏe tinh thần, hoặc bạn từng suy nhược trong suốt thai kỳ.
- Bạn không có người hỗ trợ, hoặc không có gia đình và bạn bè ở bên cạnh mỗi khi bạn rất cần sự giúp đỡ.
- Bạn gặp vấn đề về tài chính, nhà cửa, công việc và hôn nhân
- Bạn trải qua một cơn chuyển dạ khó khăn và sức khỏe giảm sút sau đó.
- Em bé bị sinh non, hoặc sinh ra với sức khỏe không tốt
- Bạn cho con bú một cách khó khăn vì bạn thiếu sữa cho con.
- Bạn hãy nghĩ ngợi về những kỉ niệm buồn sau khi sinh con, như nhớ về người thân đã qua đời…
Bạn có thể tự giúp mình vượt qua bệnh trầm cảm bằng cách nào?
Nếu bạn đang ở trong giai đoạn đầu mắc bệnh trầm cảm, bác sĩ có thể tư vấn cho bạn các biện pháp tự điều trị bệnh tại nhà, và gợi ý cho bạn một số sách có thể giúp bạn vượt qua căn bệnh này.
Hãy nhớ rằng bạn mắc bệnh trầm cảm không có nghĩa bạn là một bà mẹ không tốt, cũng không phải bạn sẽ dần xa cách con mình. Những số biện pháp sau sẽ giúp bạn chống chọi với căn bệnh này.
Cố gắng nghỉ ngơi thật nhiều
Hãy dành thời gian để ngủ hoặc nghỉ ngơi bất cứ khi nào bạn muốn. Nếu bạn có thể nhờ người thân giúp bạn trông em bé trong vài giờ, hãy thư giãn bằng cách nghe nhạc và thưởng thức một ít thức uống nóng. Cố gắng chợp mắt khi bé ngủ, và tạm thời quên đi danh sách những việc cần làm, hãy để đầu óc nhẹ nhàng không vướng bận một lát.
Ăn uống lành mạnh với chế độ ăn cân bằng
Ăn uống là việc vô cùng quan trọng để bạn đáp ứng những nhu cầu của cơ thể. Cố gắng đừng bỏ bữa, hoặc làm việc quên cả ăn, vì điều đó có thể khiến bạn bị hạ đường huyết. Chất dinh dưỡng từ thức ăn sẽ giúp bạn nạp thêm năng lượng và tăng cường hệ thống miễn dịch, vì vậy một chế độ ăn uống cân bằng sẽ giúp bạn khỏi kiệt sức.
Tập thể dục
Tập thể dục là điều mà bạn không có cảm hứng để thực hiện nhất trong thời kỳ sau sinh. Tuy nhiên, tập thể dục sẽ mang lại cho bạn nhiều lợi ích về tinh thần và sức khỏe, đồng thời giúp hồi phục vết thương sau sinh.
Gặp gỡ và trò chuyện cùng các bà mẹ khác
Nếu bạn chỉ ở nhà cùng con cả ngày, bạn đôi lúc sẽ cảm thấy bị tách biệt với xã hội và cô đơn. Hãy hẹn hò cùng các bà mẹ trẻ cũng đang có con giống mình, tham gia vào câu lạc bộ dành cho phụ nữ có con nhỏ để chia sẻ những câu chuyện làm mẹ và kinh nghiệm chăm sóc con khỏe mạnh.
Hãy yêu bản thân bạn, như yêu con mình vậy
Chăm sóc con là điều cần thiết, nhưng bạn cũng cần quan tâm đến sức khỏe của mình nữa. Cố gắng đừng làm cho bản thân quá tải bởi những việc không cần thiết, bạn có thể để dành những quyết định quan trọng cho những lúc bạn cảm thấy khỏe mạnh và thư thái hơn.