Bạn bỗng dưng cảm thấy bé bắt đầu nói nhiều, nói liên tục, và thiếu kiểm soát trong các hoạt động vui chơi. Hãy cẩn thận, đó có thể là những biểu hiện của bệnh tăng động giảm chú ý ở trẻ em.
Bệnh tăng động giảm chú ý, trong tiếng Anh là Attention Deficit Hyperactivity (ADH) là rối loạn các hành động và nhận thức, dẫn đến các hành động quá mức và thiếu tập trung vào công việc. Bệnh thường xảy ra đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ từ 8 – 11 tuổi.
Dấu hiệu của bệnh tăng động giảm chú ý ở trẻ em
Vì đây là chứng rối loạn về hành vi và nhận thức, vì vậy trẻ sẽ không thể tập trung hoàn thành công việc, và thường mất kiên nhẫn trong mọi việc. Cụ thể là như sau:
– Bé nói liên tục không ngừng, và chỉ đơn giản là nói bất cứ điều gì bé nghĩ tới.
– Bé di chuyển không ngừng, nhảy liên tục hoặc đứng dậy hoặc cựa quậy trong những tình huống đòi hỏi sự yên tĩnh hoặc tập trung.
– Bé không thể tập trung hoàn toàn vào bất cứ việc gì, và có xu hướng bỏ lỡ giữa chừng. Một dấu hiệu bạn hay thấy đó là bé nhanh chóng chuyển từ việc này sang việc khác.
Điểm khác nhau giữa một đứa bình thường và một đứa bé tăng động giảm chú ý là
- Các bé bình thường có thể nói nhiều, hoặc hỏi nhiều, nhưng để bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ hoặc một vấn đề nào đó. Các bé tăng động chỉ nói, nói liên tục, và nói không vì mục đích gì cả.
- Những đứa trẻ bình thường cũng rất hiếu động, cũng thường nghịch ngợm và chạy nhảy lung tung, nhưng những lúc cần yên lặng, tập trung, bé đều có thể giữ yên lặng và tập trung một cách ngoan ngoãn. Những đứa trẻ tăng động thường phải di chuyển liên tục, làm hết việc này đến việc khác, không quan tâm nhiều đến lời nhắc nhở của ai. Thậm chí trong những hoàn cảnh đòi hỏi bé ngồi ngay ngắn và chú ý, bé không thể chịu được và cựa quậy, hoặc muốn đứng dậy bỏ đi làm những việc mình thích.
- Bệnh tăng động giảm chú ý ở trẻ em sẽ cản trở đến sự phát triển trí não của trẻ, đặc biệt ảnh hưởng xấu đến trẻ trong thời gian đi học. Vì bé không thể tập trung vào bất cứ việc gì, bé cũng không có khả năng tiếp thu kiến thức mới hoặc khám phá và tìm hiểu về cuộc sống xung quanh. Những công việc bé làm đều rất hời hợt và bốc đồng. Bên cạnh đó, việc không tuân theo bất cứ một yêu cầu hay hướng dẫn nào của người lớn cũng dễ dẫn đến những hành động không kiềm chế và không tuân theo các nguyên tắc xã hội, khi bé trưởng thành.
Ban đầu, khi phát hiện những dấu hiệu như trên, bố mẹ có thể cảm thấy bực tức, và la mắng vì những hành động sai trái, không vâng lời của bé. Tuy nhiên, nếu dấu hiệu này lặp đi lặp lại, bố mẹ hãy đưa con đi khám để có cách điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây bệnh tăng động giảm chú ý
Nguyên nhân gây ra bệnh vẫn chưa được xác định, và một nguyên nhân duy nhất không thể giải thích cho rối loạn này. Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để tìm hiểu và một số giải thích được đưa ra như sau:
– Căng thẳng gia đình và địa vị kinh tế xã hội thấp có thể là nguyên nhân gây bệnh.
– Chức năng Catecholamine và mức điều tiết của nó rất có khả năng liên quan đến nguyên nhân gây bệnh và điều trị ADHD. Một số nghiên cứu lại phát hiện ở trẻ ADHD, methylphenidate và dextroamphetamine gây ra việc tiết nhanh nhiều các hóc môn tăng trưởng.
Như vậy, tất cả yếu tố về tổn thương sinh học, tâm lý xã hội và môi trường như đã kể trên đều góp phần gây nên bệnh tăng động giảm chú ý.
Các liệu pháp điều trị bệnh tăng động giảm chú ý ở trẻ em
Bệnh cần được theo dõi và điều trị trong thời gian dài để nhận biết mức độ tiến triển hay thuyên giảm của bệnh. Cách điều trị bệnh tốt nhất là kết hợp cả hai liệu pháp điều trị là sử dụng thuốc và điều chỉnh hành vi.
Liệu pháp hóa học (sử dụng thuốc)
Thuốc được sử dụng để điều trị bệnh là Methylphenidate và Dextroamphetamine. Các loại thuốc này thường được bắt đầu với liều lượng thấp và bác sĩ sẽ điều chỉnh dần để phù hợp với tình trạng bệnh. Bên cạnh đó, thuốc chống trầm cảm SSRI được sử dụng khi bé trở nên lo âu, trầm cảm.
Dưới tác dụng của thuốc, khẩu vị của bé được cải thiện và bé sẽ ăn nhiều hơn. Mẹ hãy chú ý chuẩn bị cho bé những món ăn ngon và giàu dinh dưỡng để bổ sung vào cơ thể.
Liệu pháp hành vi
Đây là liệu pháp kết hợp sự hỗ trợ từ gia đình và nhà trường nhằm cấu trúc lại các tình huống ở nhà và ở trường để tránh các yếu tố gây kích thích trẻ, tạo ra môi trường thuận lợi để tập trung và chú ý là việc làm cần thiết. Ngoài ra, bé sẽ được điều trị tâm lý để đối mặt với một số tình huống cụ thể.
Bố mẹ có thể:
- Chú ý đến những điểm tốt, những thế mạnh của trẻ và cho bé biết thế mạnh hoặc năng khiếu của mình.
- Khen ngợi bé khi bé làm được việc tốt
- Nhẹ nhàng hướng dẫn bé
- Cho bé biết mình nên làm gì, thay vì chỉ yêu cầu bé đừng nên làm gì
- Luôn chú ý đến trẻ khi trẻ vận động hoặc vui chơi vì sự hiếu động thái quá có thể khiến bé chấn thương