Giờ đây em bé của bạn đã lên 3 tuổi và bé bắt đầu bước vào giai đoạn học hỏi nhiều điều mới từ thế giới bên ngoài, từ những người xung quanh. Vậy ba mẹ nên dạy bé lên 3 tuổi những điều gì?
Có vô số những điều mới mẻ từ thế giới mà bạn mong muốn dạy cho con mình. Những kỳ vọng và chờ mong, những yêu thương, tận tụy, tất cả mẹ đều muốn dành hết cho con. Giờ đây, khi con đã lên 3 tuổi, cái tuổi bắt đầu mở mang sự hiểu biết và phát triển trí não. Tất nhiên, nhà trẻ và thầy cô sẽ là người dạy dỗ cho bé những điều này. Nhưng, dường như những gì bé được học ở trường chưa đủ, và sẽ tuyệt vời hơn nhiều nếu bé học được những điều hay, những điều tốt đẹp từ chính ba mẹ của mình, người luôn đặt nhiều kỳ vọng vào bé nhất.
Chính bản thân những bậc phụ huynh cũng muốn mình vừa là tấm gương, vừa là người truyền lại những kiến thức cuộc sống cho con. Vậy mẹ cần dạy cho bé những điều gì?
Phát triển kỹ năng giao tiếp cho bé
Bé lên 3 tuổi thường đã có thể nói rành rọt, và có thể biểu hiện ý muốn của mình một cách rõ ràng bằng lời nói. Việc ba mẹ dạy cho bé kỹ năng giao tiếp là một điều cần thiết, vì việc rèn luyện ngay từ khi mới biết nói sẽ giúp bé phát triển kỹ năng này, cho đến khi bé đã trưởng thành.
Ở độ tuổi này, trẻ rất hay mô phỏng lại những gì bé thấy, hay nghe thấy từ người lớn. Mẹ sẽ dạy con những gì khi dạy về giao tiếp? Trước hết, bạn cần dạy hoặc nhắc nhở bé khi nào cần nói lời chào, chào người lớn như thế nào mới lễ phép, khi nào cần nói lời cảm ơn, xin lỗi. Đó là những điều cơ bản. Bên cạnh đó, bạn cũng cần dạy cho bé những trường hợp cần xin phép, đề nghị hoặc khen tặng.
Ngoài dạy dỗ và nhắc nhở bé, mẹ hãy là người làm gương cho bé. Cách để có thể làm gương và tạo cơ hội cho bé học hỏi là tạo ra thật nhiều tình huống để biểu hiện cách giao tiếp phù hợp theo mỗi tình huống đó. Mẹ cũng cần chú ý đến giọng điệu của mình khi nói chuyện, giao tiếp với con, điều này cũng là cách dạy cho bé cách nói chuyện nhẹ nhàng và lịch sự.
Rèn luyện cơ thể, tăng cường vận động
Chơi thể thao hay tập thể dục là cách giúp cho cơ thể khỏe mạnh, tăng sức bền và tăng sức đề kháng của cơ thể trước các bệnh truyền nhiễm. Dĩ nhiên, ở độ tuổi này, bé có thừa năng lượng và sự hiếu động để vui chơi cả ngày mà không thấy mệt. Ba mẹ hãy tận dụng điều này để khuyến khích con rèn luyện cơ thể hoặc chơi một môn thể thao như bơi lội, bóng đá, trượt pa-tin…
Bé cũng chưa có một định hướng cụ thể nào về môn thể thao mình thích, vì mục đích của chúng chỉ là chạy nhảy và vận động thật nhiều, thật vui. Vì vậy, ba mẹ có thể là người lựa chọn và hướng dẫn cho con, miễn là bạn thấy môn thể thao đó phù hợp và mang lại lợi ích cho sức khỏe.
Tập thói quen dậy sớm và tập thể dục buổi sáng cũng là một thói quen tốt. Khi bạn giúp con hình thành nên thói quen này, bé sẽ nhận được nhiều lợi ích sức khỏe khi trưởng thành, và tiếp tục duy trì thói quen này.
Rèn luyện sự khéo léo của đôi bàn tay
Rèn luyện sự khéo léo của đôi bàn tay cho bé trong thời điểm này cũng là điều cần thiết, đặc biệt là khi những “cái đầu nhỏ” đang háo hức muốn biết về những điều to lớn. Các cách vận động tạo nên sự khéo léo cho đôi tay.
Một số hoạt động mẹ nên tập dần cho bé như trò chơi đất nặn, tập cách cầm bút và màu tô, dùng màu nước để tô màu hoặc vẽ, chơi nhạc cụ dành cho trẻ em…
Cách này không những giúp bé luyện tay khéo léo mà còn giúp bé tăng óc thẩm mỹ, nhận biết các hình dạng và màu sắc…Ai mà chẳng thích con mình có đôi bàn tay khéo léo, có thể tạo nên nhiều sản phẩm bằng tay thật tỉ mỉ và xinh đẹp, phải không nào?