Những đứa trẻ thường cảm thấy không vui, không hài lòng khi bị bạn bè trong lớp “vượt mặt”. Tuy nhiên, bạn có thể giúp con cảm thấy tự tin hơn với những chiến lược chú trọng thay đổi như sau.
Bạn có một thiên thần đáng yêu, thông minh và cực kỳ hiếu động. Bé đang học tiểu học, rất thích chơi đá bóng và vui đùa cùng các bạn. Bạn sẽ làm gì nếu một ngày nọ, cậu con trai thân yêu thủ thỉ với bạn một cách buồn bã “Con không thể ghi được nhiều điểm như các bạn khác trong lớp”? Bạn có nên quan tâm đến điều này? Bạn có cảm thấy ngạc nhiên vì một đứa trẻ 6 tuổi đã có những suy nghĩ so sánh như vậy?
Trẻ em mới bắt đầu học tiểu học, chúng thường cảm thấy lo lắng về cách hòa hợp với những người hoàn toàn mới – thầy cô và bạn bè. Việc so sánh mình với những người bạn cùng trang lứa tuổi chính là một phần trong quá trình đó phát triển đó. Và từ đây cho đến những sự kiện lớn hơn sau này công việc như kết quả học tập, thành tích chơi thể thao…bé đều thực hiện những phép so sánh bản thân như thế. Bạn đã thấy đây là một việc đáng lo chưa?
Sự so sánh bản thân với những đứa trẻ khác sẽ khiến bé mất tự tin vào khả năng của mình. Và bạn khó mà ngăn bé thực hiện công thức so sánh này, nhưng có thể giúp bé thay đổi cách suy nghĩ. Các mẹ hãy thực hiện những cách dạy trẻ tự tin hơn như sau:
Hãy thực tế
Quay lại câu chuyện đã đề cập đến ở trên, bạn sẽ nói gì với bé trong trường hợp ấy, hoặc bất cứ một trường hợp so sánh nào tương tự? “Không sao đâu. Đó chỉ là một trò chơi và không thực sự quan trọng đâu con ạ.” hay “Con đừng buồn. Rồi con sẽ ghi được nhiều bàn thắng hơn bạn”.
Bạn có nghĩ rằng những câu nói này có đủ khiến bé cảm thấy tốt hơn? Hoặc đã đủ làm dịu cái đầu nhỏ đang đầy tự ti và đố kị? Sự thật là, những câu nói chưa rõ ràng như vậy sẽ khiến cho bé không hoàn toàn hiểu hết ý của bạn, và không hoàn toàn giải quyết vấn đề. Hãy nhìn vào thực tế, những sở thích, sở trường của bé, và bé muốn phát triển ở những lĩnh vực nào, và hướng con theo đuổi những sở thích đó và ngày càng phát triển hơn.
Có thể cậu bạn của bé đã đam mê đá bóng và rèn luyện trong thời gian dài, vì vậy, cậu bé ấy có khả năng chơi tốt hơn và ghi nhiều bàn thắng hơn. Hãy nói với con “Bạn con ghi nhiều điểm hơn là vì bạn ấy luyện tập rất nhiều và có thể đã bắt đầu chơi từ trước cả con rồi. Vì vậy, con cần phải rèn luyện thêm nhiều hơn nữa.” Hãy cho bé lựa chọn theo sở thích, và cho con thấy tầm quan trọng của việc tự rèn luyện.
Quan tâm sâu sắc hơn
Khi con gái đi học về, mang vẻ không vui và nói với mẹ rằng “Bạn Thư xinh đẹp hơn con mẹ ơi.”, bạn hãy khoan đưa ra bất cứ lời khuyên nào, mà hãy đào sâu câu chuyện, rốt cuộc vì sao bé lại có suy nghĩ ấy. Trẻ con có thể hiểu nhầm những câu nói của người lớn, và tự đưa ra một kết luận sai lầm như vậy. Có thể lúc ở trên lớp, cô giáo đã khen bạn Thư của bé hôm nay mặc đầm xinh lắm, và bé đã nghĩ rằng, bạn Thư xinh hơn vì được cô giáo khen.
Với bất cứ câu chuyện nào của bé, bạn hãy quan tâm và tìm kỹ ngọn ngành, và lắng nghe suy nghĩ của bé. Cuối cùng là cho bé những lời khuyên về sự tự tin và giá trị của những nỗ lực. Niềm tin vào bản thân và nỗ lực là yếu tốt quan trọng hơn bất cứ sự so sánh nào của người khác.
Chú ý lời nói của mình
Nhiều ông bố bà mẹ mắc phải những lỗi cơ bản mà chính mình cũng không nhận ra – bạn chính là người đưa ra sự so sánh giữa bé và người bạn của mình. Có thể trong cơn tức giận hay bực bội, bạn mắng bé rằng “Việc đơn giản như vậy mà làm sao con lại không làm được? Hãy nhìn vào bạn A đi, bạn vẫn có thể làm rất tốt đấy thôi.”.
Trước sự so sánh của bạn, bé trở nên tự ti và có suy nghĩ rằng bản thân mình không tốt bằng những người khác, mình kém cỏi hơn các bạn cùng trang lứa. Đồng thời, kết quả của việc làm ấy cũng khiến cho bé mặc định rằng so sánh mình với người khác là cách để biết mình giỏi hay dở, và bản thân mình phát triển khi mình có thể làm tốt hơn người khác.
Thay vì nói những lời như vậy, hãy khuyến khích và động viên bé cố gắng, hướng bé đi theo sở thích, sở trường của mình, khen ngợi khi bạn thấy bé nỗ lực đạt được thành tích cao hơn và động viên nếu bé bỗng dưng mất niềm tin vào bản thân.
Tập trung phát triển cá nhân
Một trong những cách dạy trẻ tự tin là dạy cho bé hiểu một điều rằng so sánh quan trọng nhất không phải là so sánh giữa bé và những người bạn của bé, mà là so sánh giữa bé và chính mình trong quá khứ. Những đứa trẻ cần học cách “cân đo” bản thân với chính mình trước đây, để xem mình đã giỏi hơn, tốt hơn mình đã từng như thế nào. Khi đó, bạn hãy giúp đỡ bé chỉ ra bé đã cải thiện bản thân nhiều như thế nào qua một khoảng thời gian nhất định. Ví dụ, khi bé đã học được cách bơi lội, bạn nói hãy nói với bé “Con nhìn xem, con đã có thể bơi được rồi, so với 2 tháng trước, đây là một sự thay đổi đáng mừng.” Sau đó, đừng quên nhắc nhở bé hãy cố gắng, cố gắng hết mình, khi bản thân không ngừng cố gắng, nó sẽ tiếp tục phát triển.